lại rất thơ mộng với núi Ấn, sông Trà. Làm lính khu Năm, ai mà quên được
những đêm trăng bên dòng Trà Khúc ngồi ngắm núi Ấn với hòn Nghiên,
hòn Bút. Hắn trở lại chiến trường xưa vẽ những bóng ma đồng đội xiêu
vẹo, lả đi vì đói, dìu nhau đi giữa cánh rừng đại ngàn ở đôi bờ sông Trà
Khúc. Tất cả chỉ lờ mờ, không rõ nhân dạng. Người xem tranh chỉ thấy hắn
vẽ và đặc tả người đàn bà khỏa thân nằm xiên chéo toàn bộ bức tranh. Ở
phần dưới là dòng Trà Khúc bị bãi nổi giữa sông tách đôi thành hai vế đùi
đàn bà lấp loáng dưới trăng khuya. Càng nhìn ngắm kỹ, ta càng thấy một
mảng lồi tam giác kẹp giữa hai nhánh sông - khóm cỏ lau ngập nước đang
trổ bông - chính là cái ấy của đàn bà, rõ từng múi thịt, lún phún lông tơ mịn
màng. Thiếu phụ mang tên dòng sông Trà Khúc ấy có bộ ngực đồ sộ, nhô
lên chất ngất hai đỉnh hòn Nghiên, hòn Bút của núi Ấn, và hút sâu trong
khoảng không giữa hai bầu vú ta thấy ẩn hiện gương mặt thiếu phụ ngủ vùi
trong gối mây. Một gương mặt bơ thờ, khắc khoải đợi chờ tạo hình bởi viền
sáng của mảnh trăng hạ tuần về sáng, bị che lấp bởi những vạt mây vần vũ
xung quanh. Những hồn ma lính đói vật vờ hành quân tạo thành dải băng
đen vắt ngang qua bụng thiếu phụ… Tôi sững sờ trước ý tưởng kỳ lạ, nét
vẽ tài hoa của hắn, con tim như có chùm gai nhọn của cây rừng Quảng
Ngãi đâm lút vào, chắn ngang từng mao quản.
Xem tranh của hắn chỉ thấy ngồn ngộn V và L rất phồn thực. Nhưng có
điều lạ, người đàn bà nào của hắn cũng khỏa thân ở nơi hoang dã, bên bờ
sông hay trên con đò, dưới chân núi hay lẫn vào trời mây mờ ảo. Có lẽ gây
nhiều tranh cãi, ồn ào dư luận khen chê nhất là gian cuối cùng, trưng bày
bộ “Tứ bình Cao Bá Quát” của hắn. Bốn bức tranh trong bộ tứ bình phỏng
theo nội dung một bài cảm tác ngẫu hứng của thi sĩ họ Cao, khi ông ngồi
hát ca trù với cô đào Ánh Nguyệt nổi tiếng đất kinh kỳ. Lời ca ông viết là
ba khổ thơ vô đề, không theo niêm luật, lẫn lộn vừa Nôm vừa Hán. Nó rất
ngông đời, nổi loạn và cũng rất đa tình như tính cách của ông vậy:
Sơn cao nhất phiến nguyệt
Đã chơi trăng phải biết tình trăng
Sơn chi thọ đối Nguyệt chi hằng
Sơn có Nguyệt càng thêm cảnh sắc.