Tao nghĩ và tao vẽ là quyền của tao. V và L có gì phải kiêng kỵ đâu. Nó là
cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp tự nó, chẳng cần phải che đậy. Khắm như đậu phụ
chấm mắm tôm mà khi ăn rồi ai cũng nghiện, bởi hiện sinh của mắm tôm
không chỉ có mùi, còn có vị nữa. Vị mới là cái tinh cốt của đời.
- Nhưng tao vẫn ngờ rằng, mày vẽ V và L còn vì câu chuyện xưa cũ ngày
ấy, phải vậy không?
- Đúng. Tao không thể nào quên đôi bầu vú căng mọng sữa của nàng đã cho
tao sự sống. Giờ đã qua gần trọn một kiếp người, tao mới ngộ ra bầu vú của
nàng đã dạy tao phải sống đúng như tao muốn sống. Tao phải là chính
mình. Bầu vú của nàng là tuyệt đỉnh siêu việt để tao siêu thăng giữa thiện -
ác, chính - tà, chiến tranh - hòa bình, hiện tại - quá khứ…
Hắn nói một thôi một hồi về sự siêu thăng suốt hai năm qua trốn biệt mọi
người lên tận rừng quốc gia Ba Vì để lập xưởng vẽ. Hắn nói rồi đi, mái tóc
bồng bềnh, chòm râu phơ phất, áo quần xộc xệch, chân nọ đá chân kia như
thằng say rượu… Giữa bức “Thăm lại chiến trường xưa” và bộ “Tứ bình
Cao Bá Quát” ngỡ là hai chủ đề khác biệt mà sao tôi đều thấy mình và hắn
hiện diện trong đó cùng sự hiện sinh muôn thủa những kiếp người. Đêm,
tôi bị ám ảnh khôn nguôi về hình tượng người đàn bà khỏa thân nơi hoang
dã rất phồn thực trong tranh, thao thức nhớ lại chuyện xưa ở chiến trường
khu Năm.
4- Ngày ấy, những thằng lính đi B có bằng cử nhân hay tú tài như chúng tôi
còn là của hiếm, dùng để tuyên truyền cho dân miền Nam về thiên đường
xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Vì vậy, nếu có bị thương, nhưng chưa đến
mức nằm liệt, các cậu cử, cậu tú chúng tôi cũng không được chuyển ra Bắc.
Xuất viện là họ điều chúng tôi về An toàn khu làm lính cơ quan hay phân
về làm bảo vệ ở các bệnh viện, trại giam tù binh… Tôi bị thương vào cánh
tay, còn hắn bị thương ở vùng ngực, gãy hai chiếc xương sườn. An toàn
khu có khoảng gần trăm người như chúng tôi, già nửa là lính Hà Nội, đã tốt
nghiệp cấp III phổ thông, còn từ cấp chỉ huy đến lính đa phần là người địa
phương khu Năm. Họ nhìn chúng tôi hát hò, đọc sách, làm thơ… với con
mắt kỳ thị, xem đám lính Hà Nội là lãng mạn tiểu tư sản, lập trường bấp