Nguyệt quải hàm Sơn thi bán bức
Sơn hàm minh Nguyệt tửu thiên tôn
Núi chưa già, trăng hãy còn non
Trăng dù khuyết, tình vẫn tròn với núi.
Rượu một bầu, thơ ngâm một túi
Góp gió giăng làm bạn với non sông
Núi kia tạc để chữ đồng
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?
Bài thơ được hắn xé ra thành bốn bức tranh, đặc tả thi sĩ họ Cao và cô đào
Ánh Nguyệt. Có lúc ông cởi trần ngồi ngắm trăng, cô độc như một trái núi,
có lúc ông đang hành lạc với nàng trăng. Cô đào Ánh Nguyệt chính là nàng
trăng ấy, khỏa thân ở bốn tư thế khác nhau, khi xa thì như đùa rỡn giữa
trăng với người, khi gần thì hoặc chàng phủ lên nàng, hoặc nàng phủ lên
chàng, cô tịch và hoang dã, chẳng bợn lên chút cảm giác nhục dục nào,
buộc người xem tranh phải suy nghĩ mông lung, khắc khoải…
3- Tôi đang lẩm nhẩm đọc thơ được chép theo lối thư pháp hiện đại ở góc
dưới bên phải bức tranh, hắn lại gần cấu nhẹ vào vai tôi hỏi:
- Được không? Bộ tứ bình này thế nào?
- Chịu thôi, tranh của mày toàn V với L, nom khiếp quá!
- Mày nói xạo. Nhìn vào mắt người xem, tao biết ai là người đọc được
tranh của mình.
- Cứ cho là thế đi, nhưng tại sao mày bỏ hẳn thơ văn suốt mấy chục năm để
lúc về già lại đổ đốn làm thằng thợ vẽ toàn V và L?
- Văn chương ư? Quên đi!... Dù có dùng nghệ thuật ẩn dụ đến đâu chăng
nữa thì phương tiện biểu đạt của văn chương vẫn là chữ và lời, ở xứ mình
dễ mang vạ vào thân. Tao đã ngấm đòn từ lâu quá rồi, hãi lắm!
- Thế còn hội họa?
- Hội họa có phương tiện biểu đạt riêng là ánh sáng, hình sắc, đường nét.
Tao vẽ V và L để nói cái điều tao muốn nói. Ai muốn hiểu thế nào tùy họ.