Vũ Ngọc Tiến
Rồng Đá
Chù Mìn Phủ và tôi
1- Tôi quyết định đi Hà Giang thêm một chuyến nữa…
Gã đạo diễn của đài truyền hình ghé tai tôi, thở đầy mùi rượu, giả lả nói:
“Bác nhà văn cứ đi với tụi em, lên miền biên viễn đổi không khí, hưởng
mùi gái sơn cước mà tìm cảm hứng. Trên đó gái ta, gái Tàu có đủ, nhưng
đã vào nghiệp chơi chỉ nên say tỉnh chớ đừng say mê. Bên kia hay bên này
biên giới cũng đều là gái người Mông, Dao, La Chí, Tày, Nùng …cả thôi.
Mùi vị sơn cước như nhau, chỉ khác quốc tịch là giá cả các em gấp nhau vài
lần như bỡn.” Biết gã đang say tán bậy, tôi lặng thinh, song cũng phải thừa
nhận cái sự sành chơi của gã là có lý.
Hồi xảy ra chiến tranh biên giới, tôi là lính trinh sát quân đoàn 3 nên rất
thuộc bản đồ địa hình và cư dân hai bên biên giới vùng Hà Giang. Ngoài
khu vực thị xã, đi về các huyện xa của tỉnh, người Kinh rất ít, đông nhất là
người Mông rồi đến người Dao, La Chí, Tày, Nùng. Qua khỏi cột mốc biên
giới, từ cửa khẩu Thanh Thủy, thượng nguồn sông Lô đến cửa khẩu Nghĩa
Thuận, thuộc huyện Quản Bạ là đất Trung Quốc, thuộc huyện Mai Pho,
châu Văn Xương, tỉnh Vân Nam. Họ là nước lớn nên một châu Văn Xương
dân số đã tới 3 triệu người, riêng huyện hẻo lánh Mai Pho đã có gần 60 vạn
người, xấp xỉ với dân số cả tỉnh Hà Giang. Cư dân bên huyện Mai Pho một
nửa là người Mông, còn lại cũng là người Dao, La Chí, Tày, Nùng.
Gã đạo diễn, tay chơi có hạng của đài truyền hình nói đúng, ở miền biên
viễn ấy gái điếm đủ loại và dễ kiếm, nhưng làm sao phân biệt được quốc
tịch của một ả điếm sơn cước. Song gã đâu biết tôi bám càng đoàn làm
phim của gã đi Hà Giang lần này vì một nguyên cớ thầm kín. Chẳng riêng
gì gã, lâu nay nhiều người cũng hồ nghi về lai lịch đứa con nuôi mang họ
Chúc của tôi, không ít lời ong tiếng ve, đàm tiếu sau lưng. Thây kệ! Tôi
không muốn thanh minh, giải thích dài dòng, song cũng thấy mệt và nản
chí, sau mỗi lần đi tìm cha đẻ cho nó, đứa con nuôi tội nghiệp mà tôi ngờ