Công bằng mà nói, gã là một đạo diễn có tài. Trong lưu trữ cá nhân của gã
có rất nhiều cảnh lạ ở góc quay và thời khắc độc đáo mà bạn cùng nghề
không dễ gì có được. Cũng một cảnh hoàng hôn trên rừng, bình minh dưới
biển, hắn có thể tạo ra hàng trăm cảnh khác nhau, cái nào cũng mới, cũng
lạ, làm tôi xao xuyến. Gã vặt trụi kịch bản của tôi là bởi có làm cũng chẳng
được gì chứ gã thừa sức làm hơn thế. Thường thì chúng tôi dừng lại khá lâu
ở quán vườn xoài của bà Ten người xứ đạo Nghĩa Hưng- Nam Định. Chúng
tôi ngồi uống trà, ăn xoài, nghe bà kể chuyện cải cách ruộng đất ở quê. Cha
chết, anh bị đi tù, bà xách bị đi ăn mày rồi lấy chồng người Tày, lập nghiệp
ở đây, con đàn, cháu đống vẫn không thoát được cảnh nghèo. Đứa vào Tây
Nguyên khai hoang, đứa đi làm vú nuôi bên Đài Loan, mình bà mở quán
nuôi mấy đứa cháu nội ngoại lít nhít, lê la trong vườn. Cái lần đi Mèo Vạc
tìm gặp cha xứ đạo Tin lành, tôi đã ghé quán, nhờ bà hỏi thăm tin tức Chù
Mìn Phủ và Thào A Máy từ khách qua đường, may ra có kết quả. Bà Ten
thấy tôi mừng quýnh, khoe đã gặp được Thào Mý Pảo, chị họ của Thào A
Máy. Chị ta để lại địa chỉ ở thị xã Hà Giang, xác nhận tin Thào A Máy đã
chết, muốn nhận nuôi đứa cháu gái. Trong tôi nhen lên một chút hy vọng.
Có thể người đàn bà này sẽ giúp tôi đi tìm Chù Mìn Phủ. Chí ít thì tôi cũng
có chỗ tin cậy để gửi Chúc về quê cho người thân của nó. Bà Ten nói xa:
“Thời buổi thật giả lẫn lộn, ác nhân giả nghĩa nhiều như trấu, chẳng vội tin
ai sất.” Tôi hỏi: “Sao thế?...” Bà lẳng lặng nhai trầu, ngập ngừng nói: “Chị
ta giàu lắm!... Người đẫy đà, ăn mặc diêm dúa, đi xe Nhật đời mới sang
hơn cả ông Chủ tịch tỉnh…” Tôi cười hỏi lại: “Giàu thì càng tốt chứ sao?
Con bé càng được nhờ vả.” Bà đáp: “Ấy là tôi thấy bác mấy năm qua hết
lòng vì con bé nên nói xa vậy. Bác tính, bây giờ người Mông như chị ta hay
người Tày như ông lão và lũ con tôi vẫn khổ khác gì chó ngựa đâu. Kẻ giàu
phất lên ở miền biên viễn này, không là quan tham thì cũng phường buôn
thịt bán người, mèo mả gà đồng cả, tâm địa khó lường.” Bà Ten nói rồi thở
dài, hướng cặp mắt vào trong vườn xoài, la hét bầy cháu nội ngoại lẫn với
đàn lợn con mốc meo, bẩn thỉu đang vầy đất, chửi nhau chí chóe.
Con người nhân hậu đã qua kiếp trầm luân, bể khổ hơn sáu chục năm rất
hiểu và thương bé Chúc vào cái ngày tôi đưa nó về Hà Nội, ghé quán xin