khủng khiếp quá! Xác người trôi tanh cả nước sông Miện. Mới lọat đạn
pháo đầu của bên ấy bắn sang, hai nhà ta chết chẳng còn ai, may chị em
mình đi hát lượn mà thoát.” Cô em vừa khóc vừa nói: “Chị đi một mình
thôi. Nhớ đi thật xa biên giới, vào hẳn huyện lỵ Mai Pho nương nhờ người
quen, chờ hết chiến tranh hãy về. Em là dân quân phải ở lại thôi, kỷ luật
mà. Lỡ mai em chết họ Thào ở Sủa Cán Tỷ vẫn còn có chị.” Họ chia tay
trong nước mắt và đạn pháo hai bên biên giới bắn sang nhau đỏ lòe, chíu
chíu xé rách trời đêm…Thào Mý Pảo rót trà ân cần: “Anh uống thêm một
chút trà cho ấm dạ.” Tôi nâng tách trà, cay mũi, nghèn nghẹn trong cuống
họng. “Làm sao chị biết Thào A Máy đã chết?”- Tôi hỏi. Thào Mý Pảo kể
tiếp, giọng trầm hẳn xuống: “Nhiều năm tôi về tìm em không thấy. Sủa Cán
Tỷ vẫn nghèo xơ xác, người khổ như chó ngựa, chỉ so với người thị trấn
Tam Sơn, cách nhau một quả núi đã như một kiếp sống khác thì tôi ở lại
quê làm gì. Tôi trở lại Mai Pho buôn hàng lậu qua các huyện Quản Bạ,
Đồng Văn, Mèo Vạc. Một lần tôi ở Mèo Vạc nghe chuyện về người đàn bà
điên, linh tính mách bảo tôi thuê người đào mộ, tìm thấy đôi hoa tai bằng
bạc có khắc chữ Thào nên nhận ra nó. Tiếc rằng, khi đến nhà thờ Tin lành,
con nó lại vừa bị lừa bắt đi ít ngày. Năm ngoái tôi gặp bà Ten, nhưng bà ấy
cũng đánh mất tờ giấy ghi địa chỉ của anh.” Lại một lần nữa tôi nhòa lệ,
mường tượng ra hình ảnh Thào A Máy.
Có lẽ cha xứ đã không muốn kể lại cái chết bị thảm của cô, nhưng Thào
Mý Pảo đã kể rành rõ. Cô đi tìm chồng bị tù, lạc đường, kiệt sức nằm chết
ở bờ ruộng ngô, phân cách đất của hai nhà người La Chí. Nhà này bế con
cô về nuôi, nhưng lén hắt xác cô sang ruộng bên cạnh vì sợ chôn ở ruộng
mình con ma sẽ về bắt mất đứa bé. Nhà kia thấy vậy chửi bới một hồi, hắt
xác cô sang ruộng của người nhận nuôi con cô. Cứ thế cái xác hắt qua hắt
lại, kiến bu đầy, áo quần tơi tả. Chuyện đến tai cha xứ nhà thờ Tin lành,
ngài ra phân giải, bỏ tiền thuê người chôn xác cô ở nơi khác, xa ruộng của
hai nhà và đem Chúc của tôi về nuôi. Thế là ngần ấy năm tôi và những con
người bất hạnh kia đau đáu tìm nhau, ngơ ngác giữa đời. Không còn nghi
ngờ gì nữa, ngoài Chù Mìn Phủ ra, Thào Mý Pảo là người thân gần nhất
của Chúc. Tôi đưa ảnh của Chúc ra, chị ta trầm trồ khen nó đẹp, giống