tiếp tục buổi dạy.
Buổi học chiều, học trò thưa thớt hơn bởi mưa lớn và gió thổi mạnh. Những
cơn gió đưa đẩy mấy ngọn cây ngã nghiêng và những bụi chè tàu rạp ngọn.
Cả lớp học như vặn mình. Kèo cột rít lên kẽo kẹt như muốn bứng cả nhà đi.
Lũ học trò dồn sát vào nhau để tránh mưa. Uyên không thể nào dạy được.
Nàng đành cho học trò làm luận để đỡ phải gân cổ ra mà giảng mà át tiếng
gió.
- Cô, cô ơi, cột nhà gần gãy rồi.
Uyên giật mình đi xuống phía dưới. Cây cột tre chống phụ chỉ còn dính với
nền đất bởi lớp vỏ xước bên ngoài. Uyên lạnh người.
- Cô ơi, lớp có sụp không cô?
- Cô ơi, sao trường không sửa rứa cô?
- Mấy lớp nầy làm hồi lâu lắm rồi. Má em nói làm từ hồi Tây còn lận.
- Anh hai em nói sao học trò không xúm lại đãn cây, sửa lớp, chờ chi ai.
Lớp mình mình làm mình học mà cô…
- Thằng nầy nói tầm xàm. Mình mà sửa chi được. Ông Hiệu trưởng còn sửa
chưa được nữa mình.
- Anh hai tao nói chớ bộ.
- Anh hai mầy nói tầm bậy … Ông Hiệu trưởng mới sửa được. Cô mình
còn chưa sửa được…
Học trò bàn tán ồn ào. Uyên lắng tai nghe. Ừ nhỉ, tại sao lại phải chờ đợi sự
can thiệp ở đâu xa xôi. Tại sao lại không có thể tự làm lấy trường lấy lớp
mà học. Sẵn tre, sẵn tranh, chỉ cần chút công, chút của. Dân ở đây, ai cũng
làm được nhà để ở thì lý đâu không dựng được lớp cho con em mình học.
Uyên sực nhớ lại đến cái phong tục của đồng bào dân tộc và một vài làng
quê, mỗi khi làm nhà, hàng xóm láng giềng kéo đến làm giúp, không công.
Rồi đến người khác, người kia lại đến giúp trả.
Nhưng rồi ai sẽ đứng lên hứng mũi chịu sào. Uyên? Nàng còn trẻ quá. Trẻ
nhất trong các giáo viên ở đây cả tuổi đời và tuổi nghề. Nàng có đủ năng
lực để gây được sự tín nhiệm với các đồng nghiệp và nhất là đối với phụ
huynh học sinh không? Thế nào nàng lại chả hứng chịu bao điều phiền não