cho mình. Liệu Uyên có đủ sức để chịu đựng những điều mặn nhạt, sự tẻ
lạnh của mọi người vì họ nghĩ rằng Uyên đã qua mặt họ, đã giả nhân giả
nghĩa.
Cuộc đời nhiều phiền toán lắm. Uyên nghĩ đến một hành động trái ngược
khác. Hay là Uyên để mặc cho nhà truờng lo liệu. Họ không làm thì mặc
họ. Không can dự gì đến Uyên. Uyên ngày hai buổi dạy học, đọc sách rồi
nhởn nhơ. Uyên có thể nói chuyện dễ dàng với các đồng nghiệp khác. Uyên
không còn bị xem như một nhân vật kỳ cục của trường. Như vậy có lẽ dễ
sống hơn, dễ chịu hơn, đỡ mệt hơn. Khoảng năm hay hai năm nữa, Uyên
xin đổi về tỉnh gần nhà, thế là thoát nợ, thế là sung sướng.
Uyên nhìn xuống lớp, hàng chục mái đầu hoe nắng đang cặm cụi. Những
chiếc áo ấm đầy mụn rách vá. Những đôi mắt thỉnh thoảng ngước lên đăm
chiêu. Những bàn tay nhỏ thoăn thoắt lượn trên vở. Bỗng dưng Uyên thấy
thương lũ học trò trước mặt kỳ lạ. Sự thân mến như trói buộc thầy trò. Và
bỗng dưng Uyên muốn khóc khi nghĩ rằng nếu bây giờ Uyên bỏ lớp mà đi.
Mưa bỗng dưng tạnh dần. Một chút nắng chiều không biết từ đâu lạc lõng
xuyên qua cửa sổ. Trong bầu không khí sũng ướt, Uyên nghe có làn hơi ấm
toả ra từ mảng nắng vàng.
Hình như đã đến giờ ra chơi. Học trò túa ra sân như bầy ong vỡ tổ. Bà giáo
Tân mang chiếc bụng bầu qua lại truớc sân nhìn trời. Uyên nhịp đều cái
thước gỗ lên mặt bàn. Đằng kia, phía văn phòng, ông Hiệu trưởng dắt chiếc
xe đạp về nhà. Thầy giáo Nhơn nhìn theo, rồi lại nhìn trời. Những đọt lá
nõn xanh của cây bàng tàn rộng rực rỡ như tấm áo mới ngày Tết. Uyên lầm
thầm với mình: « - Ngày mai, họp giáo viên, mình sẽ đem chuyện làm
trường ra thuyết phục mọi người. Thuyết phục cho bằng được. »
Uyên khoan thai bước ra khỏi lớp. Nàng dựa nhẹ vào thành cửa sổ. Mơ hồ
trong óc Uyên vẽ ra một lớp học ấm cúng, sạch sẽ. Lòng Uyên thư thái nhẹ
nhàng.
***