Tôi tặng ông mấy món quà mọn, trong đó có bốn cái chung uống trà ngư dân
vớt ở biển Cà Mau được xác định là đồ sứ sản xuất thời Ung Chính nhà Thanh.
Ông nhìn lòng chung có vẽ hình mấy cây hoa cúc bên hàng rào và lẩm bẩm đọc
đoạn thơ của Đào Tiềm: “Thái cúc đông ly hạ. Du nhiên kiến nam sơn…” (Hái
cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi nam) và xác định hình vẽ nhắc tới Ngũ liễu
tiên sinh Đào Tiềm. Xong ông khoe “hồi trước tui cũng có chơi ít đồ cổ, thích
lắm nhưng không có tiền. À, hồi trước ông Vương Hồng Sển có mua lại của tui,
nhưng tui mua bao nhiêu ổng mua lại bấy nhiêu à nha, không cho tui lời đồng
nào”. Rồi ông sung sướng nói: “Mấy cái chung này đẹp, chắc tui ngắm nghía mất
khoảng một tuần hoặc hơn à nghen”. Ông khoe vừa mới tặng cho Nhà lưu niệm
Trịnh Công Sơn ở khu Du lịch Văn Thánh bức chân dung của ông do cố nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn vẽ. Anh bạn đi cùng tôi buột miệng “Ui chà, bức đó mà chú bán
là nhiều người muốn mua lắm, cả ngàn đô”. Ông bình thản: “Đó là kỷ niệm giữa
Trịnh Công Sơn với tui, để đó hay hơn!”.
Nhớ một bữa giỗ năm nào, tôi rước ông về nhà chơi, ăn bữa cơm với ba má
tôi. Má tôi lớn hơn ông một tuổi, còn ba tôi hơn ông chục tuổi. Trông những
người già cùng ăn cơm, vui vẻ nhắc lại chuyện Sài Gòn xưa thật vui và cảm
động. Sau bữa cơm, ba tôi khai trương ngay cái ống điếu ông tặng. Mùi thuốc Gò
Vấp khét nồng. Thế là đề tài lại chuyển sang thuốc rê ở đâu là ngon.
Có lần ông nói với tôi: “Ở đâu không biết, ở Việt Nam mình, nhà văn cần có
gốc gác nông thôn, vậy mới có thể hiểu đa số người dân mình sống như thế nào
và mới thấy được những vấn đề ở ngay thành thị”.
Khi ông còn sống, mỗi lần đến thăm nhà ông về tôi luôn cảm thấy như mới
chia tay một ông chú, ông bác rất thân thương của mình. Mối giao cảm đó như
kết tinh từ những truyện ngắn, truyện dài và cả hồi ký của ông mà tôi say mê
nhiều năm nay. Lúc nào cũng có cảm giác buồn man mác nhưng sâu thẳm trong
từng trang viết của ông, như tâm trạng của một cậu bé trong buổi chiều ba mươi
hay khi vừa hết Tết, phải cúng đưa ông bà.
Ông Tám Ở Phố Lê Công Kiều