Ông gầy nhom, đầu đội mũ bê rê, miệng lúc nào cũng tươi cười. Ấn tượng
mạnh nhất trên gương mặt ông là đôi mắt đen sắc lẻm dưới đôi lông mày bạc rậm
rì. Nếu ai chưa biết, dễ nghĩ ông là một thầy giáo về hưu vui tính hay một ông từ
giữ chùa, miếu nào đó ở dưới quê.
Ai chở ông dạo phố thì ông đi, không thì đi bộ, xe ôm hay taxi. Xe máy thì
chưa hề biết đi, xe đạp thì có tập nhưng bây giờ chắc cũng chưa đi được. Ông kể
có lần đi thăm rẫy mía của ông bạn ở Cù lao Giêng, thấy sao nó mênh mông quá
nên quyết chí tập xe để tham quan cho dễ dù tuổi đã tà tà năm mươi mấy. Trên
con đường làng, ông gồng chân đạp, đạp miết thấy cũng ngon ăn nếu đi hoài
đường thẳng tuột. Vậy mà có một thằng nhỏ chăn bò dắt nguyên đàn bò đi qua.
Chuyện này vốn nằm trong dự kiến nên chấp nhận luôn, ông bóp thắng cho xe
chạy chậm lại. Đàn bò qua rồi ông đạp rấn lên nguyên con bò lạc đàn chình ình
hiện ra khiến ông không làm gì kịp. Ông đau, con bò cũng đau và giấc mơ tự lèo
lái chiếc xe của ông cũng tạm dừng vô thời hạn.
Thỉnh thoảng tôi lại thấy ông ra chợ đồ cổ Lê Công Kiều mỗi khi từ An
Giang về Sài Gòn chơi. Ngồi dừng chân uống nước bên cái quán vỉa hè tọa lạc sát
nắp cống, ông kể chuyện hồi làm gốm đen ở lò Godevi tận An Giang. Về việc
này, tôi có xem bài viết thuật lại của ông Huỳnh Ngọc Trảng trên báo Tuổi Trẻ
Chủ Nhật. Bây giờ, căn nhà của ông gần chợ Mỹ Luông vẫn còn dăm ba cái
tượng của một thời làm nghệ nhân. Gốm của ông có nét đẹp riêng, khuôn mặt
những bức tượng Lão Tử, Kim Cang, Di Lặc có thần có thái. Ông quý ai thì tặng
người đó, riết rồi số tượng đó mai một dần.
Đến nhà ông ở Mỹ Luông, thấy sách và đồ gốm được trưng bày rất tưng
bừng. Gốm đen bày chung với gốm Biên Hoà, Lái Thiêu, gốm Tàu và cả gốm Bát
Tràng ngày nay. Có cả Ngoạn thạch do chính ông ra tới Khánh Hòa để tìm. Ông
kể, ngoạn thạch thường có sau cơn lũ. Dân chơi đá lặn lội ra đó, mong tìm đá núi,
đá suối do lũ kéo xuống và thường rủ ông đi. Ông tuổi già, sức yếu hơn nên
thường đủng đỉnh đi sau chân họ nhưng có khi tìm được món đồ độc. Trên tường
nhà ông có treo cái nón đan bằng tre của tổ tiên ông mang qua từ bên Tàu cách
nay cả trăm năm trước.