con gái kén chọn lắm, chẳng chịu ai. Ai ngờ anh chàng người hầu trong nhà
khôn ngoan, sắm tặng cô mấy món nữ trang của tiệm vàng Nguyễn Thế Tài.
Thế là cô ưng thuận (!) trước sự ngỡ ngàng của bà mẹ. Chuyện này được
giải thích: “Là vì vàng đúng tuổi mười. Lòng cô cảm nghĩa ơn người biết
bao. Tình yêu cô bỗng thấm vào…”. Bà mẹ được cô gái thưa chuyện nên tự
tìm hiểu và rồi: “Bà xem vàng thấy hay hay. Nên bà đem gả nàng ngay cho
chàng. Cho hay nhờ bởi có vàng. Thế Tài họ Nguyễn mà chàng được yêu”.
Mỗi bài thơ đăng trên báo Mới với nội dung ca ngợi nữ trang của nhà
Nguyễn Thế Tài sẽ được trả 50 đồng. Chiêu quảng cáo này hấp dẫn dân ưa
văn chương lắm và nhờ vậy vàng Nguyễn Thế Tài luôn đông khách.
Khoảng thời gian đó, có nhiều người Ấn sống ở khu trung tâm Sài Gòn
gần chợ. Người Ấn gốc Bombay chuyên cho vay lấy lãi và bán vải, còn
những người Hạch chuyên thức đêm làm gác cửa, gác tiệm buôn. Nhóm
người Hạch gốc Hồi giáo có làn da ngăm đen giống người Ấn và làm nghề
gác cửa thì rất cần mẫn. Mấy ông chú nói với Thân là họ chỉ giỏi nghề gác
cửa, chuyển sang nghề khác thì dở ẹc nên mới có câu “Dở như Hạch”. Sau
này, Thân biết Hạch có nghĩa là Hadj, đứng đầu tên của họ, nghĩa là “hành
hương” trong tiếng Á Rập, nhắc đến mơ ước một đời là hành hương đến
thánh địa Mecca. Và ai có chữ Hadj đứng trước tên nghĩa là đã đến đó rồi.
Dân Ấn góp cho ẩm thực Sài Gòn xưa mấy món ăn mà Thân không quên.
Đi xuống mé Đa Kao, phía Cầu Bông gần rạp Văn Hoa Đa Kao sau này có