phương Tây (Phiên: cách người Hoa gọi người phương Tây. Y: quần áo).
Con đường này, từ khi còn mang tên Catinat đã là nơi cạnh tranh mãnh liệt
trong thương trường của người Pháp, người Hoa và người Việt, nhất là
người gốc Bắc.
Theo cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ của nhà báo
Đào Trinh Nhất, cho đến thập niên 1920 dân Sài Gòn xưa vẫn quen dùng
hàng Tàu và của châu Âu nhập qua. Lúc đó, người miền Bắc đã tìm mọi
cách đem hàng thủ công nghệ xứ Bắc vào Nam và đường Catinat chính là
chọn lựa số một. Trước đó người Nam không thèm ngó tới the lượt của Bắc
kỳ, nhưng từ khi có phong trào tẩy chay hàng người Hoa sản xuất thì người
trong Nam đã ưa dùng đồ Bắc. Đó là chưa kể đồ đắt tiền như khảm xà cừ,
đồ gụ... thường bán cho Tây ở ngoài Bắc nhưng vào Nam bán rất chạy do
người Nam có “đức xài tiền”, hàng quý mấy mà thích cũng dám mua. Chính
vì vậy, các mặt hàng từ các nguồn khác đã bị cạnh tranh và ảnh hưởng
doanh thu. Trước kia dân Sài Gòn dùng vải mùi xám của Hoa kiều dệt tại
chỗ, nhưng khi người Bắc vào mang theo vải ta và hàng tơ lụa thì họ dùng
luôn. Hoặc trước kia người Nam dùng ghế mây gọi là ghế Tô-nê thì sau đó
dùng ghế Bắc. Trước kia dùng giày cườm thì sau đó dùng giày Hạ. Tuy
nhiên, tác giả phàn nàn là tại sao chỉ thích thuê mướn ở đường Catinat giá
tới 100 đồng, có khi lên tới 200 đồng, để rồi vì tranh nhau mà đẩy giá lên
cao. Ông khẳng định: “Nào có nghĩ đâu rằng: hàng Bắc muốn cho ai nấy
đều biết đều chuộng, chẳng cần gì lấy phố Catinat làm chỗ chiêu hàng mới
được, mà chỉ nên chiêu hàng ở chỗ buôn bán thật thà, hàng hóa tốt và rẻ mà
thôi, thì trong thành phố Sài Gòn, không thiếu gì chỗ cũng tốt và rẻ tiền
hơn: như những phố Charner (Nguyễn Huệ), Pellerin (Pasteur), d' Espagne
(Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh) v.v…”.
Câu chuyện trên giúp ta thấy phần nào không khí buôn bán của người
Việt mà con đường Catinat đã chứng kiến dưới những tán cây của mình. Tuy
nhiên, đó là câu chuyện thập niên 1920. Từ thập niên 1940 về sau, người
Việt đã đứng chân nhiều cửa hàng ở đường Catinat, trước khi người Pháp rút
về nước năm 1954. Có nhiều tiệm may, tiệm bán vải, tiệm chụp ảnh trên con