Pháp kiều hành nghề giáo sư, viên chức... ở Sài Gòn. Họ thích diện, theo sát
xu hướng thời trang mà báo chí hay phim ảnh giới thiệu.
Khoảng thời gian thập niên 1950, 1960, khách đến tiệm thường mang vải
mua ở các tiệm vải của người Ấn trên đường Huỳnh Thúc Kháng (còn gọi là
Đỗ Hữu Vị), hoặc vải do người thân quen ở nước ngoài gửi về. Phổ biến
nhất là mua từ các cửa tiệm vải nổi tiếng là Hàng Phong, Tô Châu và Tân
Cương ở đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) gần khu thương mại Saigon
Departo (mặt hông khách sạn Sheraton ngày nay). Lúc này, đường Amiral
Dupré đã mang tên là Thái Lập Thành. Bầy con của ông bà ngoài việc học
phải phụ việc tiệm may. Nhờ đó, họ chứng kiến những ngôi sao đang lên
trong giới nghệ sĩ Sài Gòn đến may đồ. Đó là đôi vợ chồng Anh Lân – Túy
Hoa của ban kịch đắt khách Dân Nam, đến bằng ô tô. Nghệ sĩ Anh Lân gầy,
cao dong dỏng, sau khi đưa vợ đến chọn vải liền vô phòng trong tán gẫu với
ông Tư. Các nghệ sĩ Phùng Há, Kim Cương, Túy Hồng, Túy Phượng, các ca
sĩ Thanh Thúy, Bích Chiêu cũng thường đến may các kiểu đầm hiện đại,
không kiểu cách rườm rà như trước đây. Bà chủ hãng sơn mài Thành Lễ, bà
Ưng Thi chủ rạp REX, có khi là con dâu bà chủ báo Bút Trà, bà Như Hảo là
vợ nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng là khách hàng của tiệm.