đó, người theo đạo Hồi mừng năm mới vào khoảng tháng 11 dương lịch – lễ
này gọi là Hari Raya – ở chùa Chà họ tổ chức cúng tế và phát cơm nị, bánh
rế, bánh cay, trái cây cho trẻ con và hành khất… Trẻ con thường ngồi ở
sảnh chùa đợi được phát quà trong khung cảnh cực kỳ náo nhiệt và kỳ lạ
giữa trung tâm Sài Gòn. Tiền kiếm được, ba má tôi dồn hết sức cho con cái
đi học với mức học phí cộng lại hàng tháng rất lớn, chưa kể mỗi tháng gửi
tiền cho ông anh du học bên Pháp. Ba mẹ tôi, đặc biệt là mẹ rất nghiêm
khắc trong việc quản lý chuyện học của con. Sau bữa cơm tối, tất cả phải
ngồi vào bàn học bài, ai chểnh mảng là bị quất vài 'gay' (thợ người Bắc gọi
cây thước gỗ là 'gay')”.
Sau 1975, nhà may Kim Sơn không treo bảng hành nghề nữa dù vẫn nhận
may cho khách quen. Nhiều người trong giới khá giả Sài Gòn cũ đã tìm đến
xin học may để có nghề chuyên môn khi ra nước ngoài sinh sống. Khoảng
cuối thập niên 1980, một số người Pháp trở lại Việt Nam tìm đến tiệm và
muốn đặt may, ông Thí tuy đã già nhưng nể tình vẫn nhận hàng. Năm 1986,
sau một đời làm lụng chăm chỉ, bà Cao Thị Liên mất. Ông Lương Văn Thí
cùng các con sống ở đây cho đến năm 1991 thì dọn về khu cư xá Chu Mạnh
Trinh và mất năm 2008. Các con của ông bà Kim Sơn nay sống tản mát
khắp nơi, chỉ những người đang sống ở Việt Nam gặp nhau trong ngày giỗ
cha mẹ. Trong ngày tụ họp, những kỷ niệm hồi ở tiệm may Kim Sơn được
kể ra mải miết. Họ nhớ cả bà bán tàu hũ, không biết chữ nhưng sẵn sàng bán
thiếu cho đám thợ may, đánh dấu mỗi chén thiếu bằng một gạch bên cạnh
một hình vẽ, anh thợ tên Bầu được biểu thị hình trái bầu, chị thợ có mụn là
hình khuôn mặt tròn có những chấm đen. Nhớ cả tiệm tắm chó gần nhà mà
chiều chiều có những ông chủ nhà giàu, Tây có Việt có dắt chó đến thuê
tắm. Những kỷ niệm vụn vặt khiến những người con ông bà Kim Sơn cảm
thấy gần lại với nhau, họ nhớ đến tiệm may, nhớ cha mẹ và nhớ cả những
người thợ lao động cần cù của một thời Sài Gòn đã qua.
Đầu năm 2015, công ty SONY mở một showroom số 68–70 Đông Du,
trên nền cũ của tiệm may Kim Sơn và tiệm hớt tóc Song Chung. Một trong
những người quản lý cửa hàng là cháu ngoại của ông bà Kim Sơn – anh