287
Hỉ Văn bấy giờ có lực lượng võ trang. Nếu truy xa hơn,
đó là từ nhóm “bài Mãn phục Minh” đến Biên Hòa,
Mỹ Tho, Hà Tiên hồi thế kỷ XVIII. Lúc Nguyễn Huệ
khởi binh ở đất Tây Sơn, giành thắng lợi đầu tiên, ta
còn nhớ có sự hợp tác của Lý Tài, Tập Đình nhưng lần
hồi họ trở tráo.
Nói xa gần như vậy, để thấy rằng các nhóm Thiên
Địa Hội mang nội dung khác nhau, lắm khi thù địch,
thanh toán nhau chí tử. Riêng về người Việt ở Sài Gòn
- Chợ Lớn và phía đồng bằng, có lúc hợp tác với Thiên
Địa Hội nhưng rồi tách ra, với mục tiêu chống Pháp đa
dạng. Dân gian gọi là Hội kín, từ ngữ này lại khái quát,
đến mức Pháp đã gọi “Hội kín Nguyễn An Ninh”, thật ra
chẳng dính dấp gì đến Thiên Địa Hội của người Hoa cả.
Trong dân gian, giới bình dân còn gọi nhau theo kiểu
xưa là “đại ca”, tức là chức vụ trong Thiên Địa Hội như
tổ trưởng, cụm trưởng.
Sau khi Cách mạng Tân Hợi của Tôn Trung Sơn
thành công, xem như đã bài trừ xong ách đô hộ của Mãn
Thanh thì sứ mạng của Thiên Địa Hội Trung Hoa đã
chấm dứt. Những nhóm “cái bang” ở Chợ Lớn chuyển
qua nghề thầu sòng bạc, ổ gái điếm mà Pháp dung
túng, hoặc hội múa lân, nắm độc quyền về khuân vác
lúa, về bắt mối bến xe đò. Trong khi ấy, những Hội kín
của Việt Nam còn tiếp tục chống Pháp, với lòng tin,
với bùa phép ở núi Cấm. Ta nhớ Phan Xích Long phá
khám Sài Gòn 1916.