335
tư liệu của Pháp, chủ sân nọ thầu hai sân, mỗi mùa giết
chim ba lần, phỏng định tất cả 30.000 con, thâu hoạch
chừng 9 tạ lông chim (tạ 60 kí lô).
Giết chim như thế, tuy có thâu thuế nhưng vừa lên
ngôi, Minh Mạng phải lên tiếng. Theo Quốc triều chính
biên, tháng 3, Ngài ra lịnh bãi thuế “điểu đình” trong
tỉnh Hà Tiên (gồm Rạch Giá). Ngài dạy rằng: Tiểu dân
theo lợi, theo nghề đánh bẫy chim, hại sinh vật nhiều,
thiệt ta không nỡ, vậy cho bãi thuế ấy”. Hiểu là nhà
nước không cho phép.
Sau khi mất trọn cả Nam Kỳ Lục Tỉnh, viên chánh
tổng ở Hà Tiên năm 1871 chẳng rõ ở huyện nào đã
“khiến người đem đồ sản vật gồm chiếu bông, mật ong,
sáp, nước mắm, cá khô, lông chim” nhờ đạo Phú Yên
ở Trung Kỳ (bấy giờ chưa mất) dâng lên vua Tự Đức.
Ngài dạy rằng: “Lòng dân như thế, thiệt bởi đức trạch
triều đình đã sâu”. Ngài nhơn làm bài phú Nam Kỳ thổ
sản (Quốc triều chính biên toát yếu).
Những sản vật nói trên, từ thời mở nước cho đến
khoảng thời gian dài lâu, trước Cách mạng tháng Tám,
được xuất khẩu trực tiếp đến Băng Cốc, Mã Lai, Nam
Dương do người Hải Nam đảm nhận. Bởi vậy, có nhà
nghiên cứu cho vịnh Xiêm La và phụ cận qua biển Đông
cũng là một thứ Địa Trung Hải nho nhỏ, những tàu buôn
này đã đến tận đảo Bornéo, vùng Brunây. Chiếu, gạo,
tôm khô, cá khô (loại cá gộc, cá chét), khô cá sặc rằn (cá
bổi, dì tho) được ưa chuộng, lại thêm món mắm ruốc.