39
Hàng hóa, đặc biệt là lúa gạo xuất khẩu ngày càng
nhiều, dân miền quê đưa lúa gạo lên cảng Sài Gòn, mua
lại hàng tiêu dùng, nhiều mặt mới lạ. Giới thương gia
người Hoa thừa cơ hội làm trung gian. Họ mua lúa, đem
về Chợ Lớn xay xát lại. Họ tổ chức người đến tận thôn
quê nắm đầu mối, theo hệ thống mà ta quen so sánh với
chân con rít (rết). Mua lúa vào, bán ra hàng tiêu dùng.
Đời sống người dân như được thư thả hơn về mặt vật
chất. Sài Gòn - Chợ Lớn thêm đông đúc dân cư. Lên
Sài Gòn làm mướn, tuy cực, nhưng dễ bề ăn uống, kiếm
tiền nhanh từng ngày, đâu như khi ở miền quê, mỗi năm
chỉ thu hoạch một lần khi gặt hái. Vác lúa gạo cho các
nhà kho (gọi chành) phía Chợ Lớn, làm phu bốc xếp
cho cảng Sài Gòn là dịch vụ cực nhọc, nhưng dễ tìm
việc làm. Bấy giờ, đang thiếu nhân công.
Tóm lại, do hoàn cảnh lịch sử, người Sài Gòn đã
chạm trán với Tây phương, làm phu bốc xếp cho cảng
Sài Gòn ngay từ khi thành Chí Hòa chưa mất và khi
cảng mở cửa rộng với Tây phương. Nghĩa là đã nếm
mùi thực dân 25 năm trước Hà Nội và Huế, ngay trong
khi ông Nguyễn Tri Phương còn sống và vua Tự Đức
cũng còn sống. Hai mươi lăm năm, một thế hệ người. Họ
ăn bánh mì, uống rượu lạt trước, so với cả nước. Rượu
lạt mà ông Đồ Chiểu đã gọi chính là rượu chát (rượu
vang) vì so với rượu nếp thì tửu độ kém hơn. Làm phu
bốc xếp, nhưng vẫn đi chân đất, đầu còn mang cái búi
tó, miệng ăn trầu. Thay đổi phong cách sống là chuyện