chúng tôi hỏi thăm anh ta nơi bán vé tàu biển đi Sài Gòn. Anh ta vui vẻ chỉ
dẫn cho chúng tôi và còn nói thêm cho chúng tôi một tin rất quan trọng.
- Nếu cậu mợ không muốn mất tiền vé thì có thể xin đi nhờ tàu của
Tổng ủy di cư. Chính phủ cho vé và cho cả ăn uống.
Chúng tôi cảm ơn anh ta và chiều hôm đó ra ngay quảng trường nhà
hát thành phố, nơi tập trung dân di cư đủ loại. Nhìn cách ăn mặc của họ,
chúng tôi nhận định đây phần lớn là vợ con binh lính những viên chức phố
huyện hay bọn tề điệp nông thôn... Dân "bự" không thèm đi tàu bố thí. Họ
cần có tiện nghi, có kẻ hầu hạ. Nếu nhẹ họ đi bằng đường không. Số đông
hơn, giàu có hơn, họ còn phải thu xếp tài sản. Khu vực ba trăm ngày chưa
câu thúc họ về thời gian. Cách ăn mặc của chúng tôi vì thế hơi nổi bật so
với đám dân di cư. Tôi nói với chị Dung là nên thay đổi trang phục cho
thích hợp, nhưng chị lại nhận định khác:
- Bọn viên chức dễ quan tâm đến những người sang trọng. Quan điểm
giai cấp của họ là như vậy mà. Ta cứ xem sao.
Chúng tôi đến văn phòng đăng ký dân tị nạn. Chị Dung đi thẳng đến
một viên chức người Pháp xin hỏi về thể lệ xin di cư bằng đường biển.
Viên chức này tỏ ra lịch sự giới thiệu chúng tôi với một viên chức người
Việt ở buồng bên. Thế là cuộc điều đình của chúng tôi rất thuận lợi.
- Thưa ông, chúng tôi có giấy của Tổng ủy di cư cấp ở Hà Nội. Gia
đình chúng tôi đã đáp máy bay vào Sài Gòn trước. Chúng tôi bận thu xếp
một số việc phải đi sau. Máy bay đã bán hết vé tháng 8 vì không lực trưng
dụng để chuyển vận Pháp kiều. Nay chúng tôi muốn được đi bằng đường
biển, mong quý ông làm ơn giúp đỡ cho.
Chúng tôi đưa giấy của Tổng ủy ra và quả là có hiệu lực. Dân di tản ở
đây cũng đang làm thủ tục để xin loại giấy này ở Ban Di cư Hải Phòng. Có
giấy rồi chúng tôi chỉ việc ghi tên vào chuyến tàu sớm nhất. Viên chức