Tiểu tướng sĩ đâu chịu nhận tiền của tứ điện hạ nghèo rớt mồng tơi, vội
vàng từ chối, hấp tấp chạy đi.
Chờ những người không liên quan này đi hết rồi, Trần Khinh Nhứ mới lấy
một cái túi ra: “Gặp ngươi khéo quá, đây là an thần tán ta mới điều chế,
ngươi mang về dùng thử xem.”
Trường Canh cảm ơn, nhận thuốc cất đi, lấy một ít nhét vào hà bao của
mình.
Trần Khinh Nhứ vô tình liếc thấy hà bao kia, mắt sáng rỡ, chỉ thấy bên trên
không thêu mấy cái như “uyên ương nghịch nước” , “hồ điệp song phi” rối
mắt, trong bằng lụa sạch sẽ, ngoài bao một lớp da mềm được mài cực
mỏng, trên da dùng dao khắc một vòng hoa văn nhỏ, như là thiết oản khấu,
cơ quan nối kết, mũi còn lộ ra một bên lưỡi đao, cơ hồ muốn bay ra, cực kỳ
tinh xảo.
Trần Khinh Nhứ thuận miệng khen một câu: “Hà bao ở đâu ra vậy? Trông
thật độc đáo.”
Trường Canh: “Tự làm đấy, cô có muốn không?”
Trần Khinh Nhứ: “…”
Dù là Trần thần y trong thiên quân vạn mã bình tĩnh như thường, lúc này
cũng không khỏi lộ ra một chút kinh hãi.
“Rất chắc đấy,” Trường Canh giới thiệu, “Đúng rồi, vẫn chưa hỏi cô, Trung
thu qua rồi, mà sao cô còn ở Thục Trung?”
“An Định hầu về Nam đi ngang qua Thục Trung, hẹn ta ở đây,” Trần Khinh
Nhứ hỏi ngược lại, “Sao thế, ngươi không biết à?”
Trường Canh: “…”
Phong thủy luân lưu chuyển, lần này người kinh hãi đã thay đổi.
Một lúc lâu, Trường Canh mới nhờ dư hương an thần tán, khó khăn tìm lại
giọng nói: “Không, không biết, nghĩa phụ ta… y về Nam làm gì?”