chỉn chu như vậy.
Đáng tiếc dù đẹp hơn cũng vô dụng – Thẩm Thập Lục hồi nhỏ từng một lần
bị bệnh nặng, sốt hỏng cả người ra, mắt chắc cũng chỉ có thể thấy rõ trong
vòng hai thước, cách mười bước thì ngay cả nam nữ cũng không phân biệt
nổi. Y lại còn nặng tai, nói với y một câu cũng phải đứng sát mà gào lên,
ngày ngày đi qua cửa nhà Thẩm gia, cách một bức tường cũng có thể nghe
thấy Thẩm tiên sinh nho nhã lễ độ kia gào thét như chó điên.
Nói tóm lại, Thẩm Thập Lục là một con ma ốm vừa điếc vừa mù.
Với điều kiện của y, vốn nên là một tiểu bạch kiểm được trời ưu ái, tiếc
thay ở trấn nhỏ biên thùy này không phải quỷ nghèo thì là thần nghèo, cho
dù thiên tiên tới cũng chẳng ai bao nuôi nổi.
Theo phong tục địa phương, lúc đại ân đại đức không gì báo đáp được, sẽ
kết nghĩa nhận người thân, có con cháu thì con cháu nhận, không có con
cháu thì tự mình nhận.
Huynh đệ Thẩm thị cứu Trường Canh khỏi miệng sói, là ân nhân cứu mạng,
Trường Canh như một lẽ đương nhiên nhận một trong hai người làm nghĩa
phụ.
Thẩm tiên sinh học hành đến hỏng cả đầu óc, một mực nói không hợp lý
cũng không hợp pháp, không dám nhận, ngược lại là huynh đệ y Thập Lục
gia thống khoái, đương trường đổi giọng gọi “nhi tử” luôn.
Cứ thế, tên Thẩm Thập Lục vô công rồi nghề chiếm được món lợi to, nếu
mai kia con ma ốm chơi bời lêu lổng này nghèo khổ, Trường Canh sẽ phải
dưỡng già và lo tang ma cho.
Trường Canh quen đường băng qua viện của mình, từ cửa hông ra ngoài rẽ
một chỗ là đến nhà Thẩm tiên sinh.
Thẩm gia tổng cộng hai tên đàn ông độc thân, ngay cả con gà mái cũng
không có, đương nhiên chẳng cần kiêng dè ai. Y trước nay đến đi tùy tiện,
cửa cũng không cần gõ.