“Tuyệt thật,” Tom nói. “Những người nước ngoài rất khó làm ăn
ở Nhật Bản. Ngay cả bây giờ, sự tự do thông thường cũng chỉ là cái vỏ
bề ngoài. Xét trên nhiều phương diện, nó vẫn là nước Nhật trong thời
bakufu
Tokugawa mà thôi, đóng cửa với thế giới bên ngoài.
“Đúng vậy, nhưng điều đó lại có lợi cho công việc của John,”
Ken xen vào. “Đúng không, John? Bởi vì, nếu nước Nhật không có
quá nhiều những quy định ngớ ngẩn, nếu các bộ chịu trách nhiệm với
việc giám sát thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu không quá tham
nhũng, anh sẽ cần tìm một công việc khác, ne?”
“Thôi nào, Ken,” Midori nói. “Chúng tôi đều biết anh là kẻ hoài
nghi thế nào. Anh không phải chứng minh điều đó.”
Tôi tự hỏi phải chăng Ken đã quá chén.
“Cô cũng từng như vậy đấy thôi,” gã tiếp tục. Gã quay sang tôi.
“Khi Midori trở về từ trường Julliard ở New York, cô ấy là một người
có quan điểm cực đoan. Cô ấy muốn thay đổi mọi thứ ở Nhật Bản.
Nhưng tôi đoán bây giờ cô ấy không còn như thế nữa.”
“Tôi vẫn muốn thay đổi mọi thứ,” Midori nói, giọng ấm áp
nhưng kiên quyết. “Chỉ có điều tôi không nghĩ nhiều khẩu hiệu giận
dữ sẽ tạo nên điều gì khác biệt. Anh phải kiên nhẫn, anh phải lựa chọn
thời cơ để đấu tranh.”
“Gần đây cô lựa chọn được thời cơ nào rồi?” Gã hỏi.
Tom quay sang tôi. “Mong anh hiểu cho, Ken cảm thấy như đã
phản lại nguyên tắc của chính mình khi biểu diễn ở những nơi chính
thống như Blue Note. Đôi khi anh ấy lại trút giận lên chúng tôi.”
Ken cười. “Chúng ta đều phản lại nguyên tắc của mình.”
Midori đảo mắt. “Thôi nào, Ken, dừng lại được rồi đấy.”
Ken nhìn tôi. “Còn anh, John? Anh nghĩ sao về câu thành ngữ
này của Mỹ “Hoặc anh là một phần của giải pháp, hoặc anh là một
phần của vấn đề?”