thích hợp cho những trận đánh nhau liên tục và những vấn đề về kỉ
luật khác ở trường.
“Học kì đó thế nào?”
Tôi nhún vai. Một vài kí ức về nó không dễ chịu cho lắm. “Cô
biết những người hồi hương bị đối xử thế nào mà. Nếu cô là một đứa
trẻ người Nhật bình thường có giọng nói đã bị Mỹ hóa vì khoảng thời
gian sống ở nước ngoài thì đã là tồi tệ lắm rồi. Nếu mà còn lai Mỹ nữa
thì cô gần như là một kẻ quái dị.”
Sự thông cảm sâu sắc trong mắt cô ấy khiến tôi cảm thấy mình
đang trở nên tồi tệ hơn cả một kẻ phản bội. “Tôi biết cảm giác ấy,” cô
ấy nói. “Và anh đã coi học kì ấy như một chuyến về thăm quê nhà.
Chắc là anh cảm thấy lạc lõng lắm.”
Tôi phẩy tay như thể chuyện đó chẳng là gì cả. “Tất cả đã là quá
khứ rồi.”
“Vậy, sau khi tốt nghiệp trung học thì sao?”
“Sau trung học là Việt Nam.”
“Anh đã từng ở Việt Nam sao? Trông anh còn trẻ vậy mà.”
Tôi mỉm cười. “Tôi vẫn còn chưa qua tuổi thiếu niên khi gia nhập
quân đội, và khi tôi tới đó thì cuộc chiến đã diễn ra được một thời gian
rồi.” Tôi ý thức rằng mình đang chia sẻ nhiều thông tin chi tiết về bản
thân hơn mức cần thiết. Song tôi chẳng bận tâm.
“Anh ở đó bao lâu?”
Ba năm.
“Tôi tưởng rằng hồi đó lính nghĩa vụ chỉ đi một năm thôi chứ.”
“Đúng. Nhưng tôi không bị gọi nhập ngũ.”
Đôi mắt cô ấy mở to. “Anh tình nguyện à?”
Đã lâu lắm rồi tôi không hề nói gì đến những chuyện này, hoặc
thậm chí nghĩ về nó. “Tôi biết bây giờ điều đó có vẻ hơi lạ lùng.
Nhưng đúng là tôi đã tình nguyện. Tôi muốn chứng tỏ rằng tôi là
người Mỹ với những ai nghi ngờ điều đó chỉ vì đôi mắt tôi, làn da tôi.