“Tôi biết Kokodan. Tôi từng học aikido ở một dojo nhỏ ở
Ochanomizu, cách tuyến Chuo một trạm dừng.”
“Một nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc jazz như cô thì học aikido để
làm gì?”
“Lúc đó tôi còn chưa thực sự nghiêm túc với chuyện chơi piano,
bây giờ thì tôi không còn tập aikido nữa bởi vì nó sẽ làm hỏng tay tôi.
Tôi học võ vì có lúc tôi bị bắt nạt ở trường - bố tôi từng công tác ở Mỹ
một thời gian mà. Tôi đã nói với anh tôi biết cảm giác của một người
hồi hương là như thế nào rồi đấy.”
“Môn aikido có giúp ích gì không?”
“Ban đầu thì không. Phải mất một thời gian thì tôi mới khá lên.
Nhưng bọn đầu gấu ấy đã cho tôi động lực để tập luyện. Một hôm, có
một đứa trong bọn tóm lấy cánh tay tôi, và tôi đã quật ngã nó bằng đòn
san-kyo. Sau đó, chúng không động đến tôi nữa. Quả là may mắn, vì
thật ra tôi chỉ biết dùng mỗi đòn san-kyo thôi.”
Tôi nhìn cô ấy, tưởng tượng xem sẽ như thế nào nếu bị quật ngã
bằng một đòn san-kyo chứa đầy cái quyết tâm hiện đang giúp cô ấy
đạt được sự chú ý, có lẽ cả sự nổi tiếng, trong giới nhạc jazz.
Cô ấy nhấc cái li lên bằng những ngón tay của cả hai bàn tay, và
tôi nhận thấy một sự tiết kiệm động tác trong hành động đơn giản đó.
Nó thật duyên dáng, dễ chịu khi ngắm nhìn.
“Cô biết sado
,” tôi nói, gần như bật ra suy nghĩ của mình. Sado
là nghi thức thưởng trà của Nhật Bản. Những nghệ nhân trà đạo cố
gắng sử dụng những động tác tao nhã đã được nghi thức hóa trong
việc chuẩn bị và phục vụ trà để đạt tới wabi và sabi: một sự thanh nhã
tự nhiên trong suy nghĩ và hành động, một sự tối giản đại diện cho
một quan niệm lớn hơn và quan trọng hơn mà sẽ khó hiểu nếu không
có nó.
“Tôi học trà đạo từ hồi còn niên thiếu,” cô ấy trả lời, “và ngay cả
hồi đó cũng chưa bao giờ làm tốt. Tôi ngạc nhiên vì anh có thể nhìn ra