lưới tam giác, họ có thể tìm ra vị trí của bọn anh. Nhưng bọn anh phải
làm gì với những người này đây? Bọn anh vừa mới phá hoại ngôi làng
của họ rồi.
Gã ở đầu kia radio, đến bây giờ anh vẫn không biết là ai, nói
rằng, ‘Khử chúng đi.’ Đây là từ mà hồi đó bọn anh dùng để gọi thay từ
‘giết’ - người này người kia đã bị khử, chúng tôi đã khử được mười
Việt Cộng.
Anh im lặng, và gã đó lại nói, ‘Khử chúng đi’. Lúc này thì anh
thực sự mất bình tĩnh. Đứng bên bờ vực của một vụ tàn sát đầy kích
động là một chuyện. Cơn bốc đồng đó được chấp thuận một cách lạnh
lùng từ cấp trên lại là một chuyện khác. Đột nhiên anh thấy sợ, nhận ra
bọn anh đã rơi vào một hoàn cảnh gay go đến mức nào. Anh nói, ‘Khử
ai?’ Hắn nói, ‘Tất cả bọn chúng. Khử hết.’ Anh nói, ‘Có tới bốn, năm
chục người ở đây, cả phụ nữ và trẻ em. Anh có hiểu không?’ Gã đó lại
nói, ‘Cứ khử chúng đi.’ ‘Anh có thể cho tôi biết tên và cấp bậc của
anh không?’ Anh nói, bởi vì anh sẽ không giết tất cả những người này
chỉ vì một giọng nói trên radio bảo anh làm thế. ‘Con trai à,’ giọng nói
đó tiếp tục, ‘ta quả quyết với anh rằng nếu ta nói cấp bậc của ta cho
anh biết thì anh sẽ sợ vãi cả ra quần mất. Anh đang ở trong một khu
vực tự do quân sự công khai. Giờ thì hãy làm theo những gì ta bảo.’
“Anh nói anh sẽ không làm khi chưa xác minh được thẩm quyền
của hắn. Rồi thêm hai người nữa, tự xưng là cấp trên của gã này, xen
vào radio. Một người nói, ‘Anh vừa nhận một lệnh trực tiếp dưới
quyền của Tổng tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ. Hãy tuân lệnh nếu không
anh sẽ phải gánh chịu hậu quả.’
Vậy là anh quay lại với các đồng đội trong đơn vị để bàn về
chuyện này. Họ đang canh giữ dân làng. Anh truyền đạt lại những gì
anh vừa được nghe. Hầu hết mọi người đều có cảm giác giống anh: nó
làm nguội lạnh cơn giận dữ của họ, khiến họ sợ hãi. Nhưng vài người
lại thấy phấn khích. ‘Không thể tin nổi,’ họ nói. ‘Họ bảo chúng ta khử
chúng ư? Chuyện lạ.’ Tuy nhiên, tất cả mọi người đều do dự.