Tôi quay lại và thấy Midori cùng nhóm tam tấu của cô đang sải
bước mau lẹ về phía sân khấu, khuôn mặt không chút biểu cảm. Tôi
lắc lắc đầu, cố gắng tiếp nhận chuyện này. Tôi đến Alfie để tránh xa
Kawamura và mọi thứ liên quan đến y, thế mà lại gặp “bản sao” của y
ở đây. Đáng lẽ tôi nên đứng dậy và rời đi, nhưng điều đó sẽ gây nghi
ngờ.
Đồng thời có một chút tò mò, như thể tôi đang lái xe ngang qua
hiện trường của một vụ tai nạn mà tôi đã gây ra, không thể ngoảnh đi.
Tôi ngắm nhìn khuôn mặt Midori khi cô ấy ngồi vào vị trí bên
chiếc dương cầm. Cô ấy khoảng ba mươi lăm tuổi và có mái tóc dài
chấm vai suôn thẳng và đen nhánh đến mức nó có vẻ ánh lên lấp lánh
trong ánh đèn rọi từ trên xuống. Cô ấy mặc chiếc áo len chui cổ cộc
tay, có màu đen như mái tóc cô, làn da trắng ngần mịn màng ở cổ và
hai cánh tay tựa hồ như đang bồng bềnh, lơ lửng bên cạnh nó. Tôi cố
gắng nhìn vào mắt cô ấy nhưng chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ trong bóng
tối hắt xuống bởi ánh đèn trên đầu. Ngoài đôi mắt được kẻ chì đen, tôi
thấy cô ấy hoàn toàn không trang điểm. Đủ tự tin để không phải cất
công làm việc đó. Mà cô ấy cũng chẳng cần làm thế. Trông cô ấy thật
xinh đẹp và hẳn là cô ấy cũng ý thức được điều này.
Tôi có thể cảm thấy một sự căng thẳng ở khán giả, ai cũng vươn
người ra đằng trước. Midori giơ những ngón tay bên trên bàn phím, để
chúng lơ lửng ở đó trong một giây. Giọng cô ấy cất lên, khẽ khàng:
“Một, hai, một hai ba bốn,” và rồi bàn tay cô ấy hạ xuống và căn
phòng bừng lên sức sống.
Đó là My man’s gone now, một bản nhạc cũ của Bill Evans,
không phải của cô ấy. Tôi thích bản nhạc này và tôi thích cách cô ấy
chơi nó. Cô ấy mang lại cho nó một sự sinh động khiến tôi vừa muốn
nhìn lại vừa muốn nghe, nhưng tôi thấy mình ngoảnh đi.
Tôi đã mất cha ngay sau khi lên tám. Ông bị một kẻ cánh hữu
giết hại trong những cuộc biểu tình trên đường phố làm rung chuyển
Tokyo khi chính quyền Kishi phê chuẩn Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ