bắt chước một cách hoàn hảo một cử chỉ khiếm nhã của cánh tài xế tắc
xi ở New York - “và tôi nhận ra đó là vì người Mỹ cho rằng đối
phương cố tình làm thế, nên họ muốn dạy cho người đó một bài học.
Nhưng anh biết đấy, ở Nhật, người ta hầu như không bao giờ bực tức
trong những tình huống như vậy. Người Nhật coi lỗi lầm của người
khác là một việc không chủ định, như thời tiết ấy, tôi nghĩ vậy, chứ
không phải như một điều đáng để giận dữ. Tôi đã không nghĩ tới điều
đó trước khi sống ở New York.”
“Tôi cũng nhận ra sự khác biệt đó. Tôi thích cách của người Nhật
hơn. Đó là một điều đáng ao ước.”
“Nhưng anh là ai? Người Nhật hay người Mỹ? Ý tôi là cách nhìn
của anh,” cô ấy vội vã nói thêm, vì sợ xúc phạm đến tôi khi hỏi một
câu quá thẳng thừng như vậy.
Tôi nhìn cô ấy, thoáng nghĩ đến cha cô. Tôi nghĩ về những người
mà tôi đã và đang làm việc cùng, và tự hỏi cuộc sống của tôi sẽ thay
đổi thế nào nếu tôi chưa bao giờ biết họ. “Tôi không rõ nữa,” cuối
cùng tôi nói, nhìn đi chỗ khác. “Như cô có vẻ đã nhận thấy lúc ở Alfie,
tôi không phải là người độ lượng cho lắm.”
Cô ấy ngừng lại. “Tôi có thể hỏi anh một câu không?”
“Dĩ nhiên,” tôi đáp, không biết điều gì sẽ xảy đến.
“Ý anh là gì, khi anh nói chúng tôi đã “cứu” anh?”
“Đó chỉ là một cách bắt chuyện thôi,” tôi nói. Lời giải thích ấy
nghe có vẻ khiếm nhã, và khi nhìn vào mắt cô ấy, tôi lập tức nhận ra
đó là một câu đáp sai lầm.
Mày phải bộc lộ với cô ấy một chút, tôi lại nghĩ, không rõ liệu tôi
đang thỏa hiệp hay đang biện minh. Tôi thở dài. “Tôi đang nói về
những điều tôi đã làm, những điều mà tôi biết - hoặc cứ nghĩ rằng tôi
biết - là đúng đắn,” tôi nói, chuyển sang tiếng Anh, nó khiến tôi thấy
thoải mái hơn khi trò chuyện về chủ đề này. “Nhưng sau đó hóa ra lại
không phải. Thi thoảng những điều đó lại ám ảnh tôi.”
“Ám ảnh anh ư?” Cô ấy hỏi, không hiểu rõ ý tôi.