đau ở cạnh sườn chẳng hề chú ý đến diễn biến của việc xử án, bắt đầu công
việc gây đau đớn của nó. Ivan I lyich lắng nghe, xua đuổi ý nghĩ về cơn
đau, nhưng cơn đau tiếp tục công việc của mình, nó đã tới, đứng lại ngay
trước mặt ông và nhìn ông. Ông sững người ra, ngọn lửa trong mắt ông vụt
tắt và ông lại bắt đầu tự hỏi: "Lẽ nào chỉ có nó là sự thực?" Và các bạn
đồng sự cùng những người dưới quyền ông ngạc nhiên và cay đắng thấy
rằng một quan tòa xuất sắc, tinh tế như ông đã lầm lẫn và phạm sai lầm.
Ông lắc lắc mình, cố gắng tỉnh lại và điều khiển được chăng hay chớ cho
xong phiên tòa, rồi quay về nhà với ý nghĩ buồn bã rằng ông không thể lấy
công việc ở tòa án để che lấp điều ông muốn che lấp như trước đây nữa,
rằng ông không thể dùng công việc ở tòa án để thoát khỏi nó được. Và điều
tệ hại hơn cả là nó kéo ông về phía mình không phải để ông làm một việc
gì đó, mà chỉ cốt để ông nhìn vào nó, nhìn thẳng vào mắt nó, nhìn nó mà
đau đớn không nói ra được, và cũng chẳng làm gì được cả.
Và để thoát khỏi tình trạng đó, Ivan I lyich đã dùng những cách an ủi
khác, những tấm vải che mắt khác, và trong một thời gian ngắn những tấm
vải che mắt này tựa hồ như đã cứu ông, nhưng rồi lập tức những tấm vải đó
không hẳn chỉ là rách nát, mà còn để ánh sáng lọt qua, y như thể cơn đau đã
xuyên qua tất cả và không gì có thể che lấp được nó.
Gần đây khi bước vào phòng khách ông thường nhìn thấy một vết
xước trên chiếc bàn đánh véc-ni nhẵn bóng. Đó chính là gian phòng khách
do ông bài trí, nơi ông đã ngã. Ông nghĩ một cách hài hước độc địa rằng
ông đã hy sinh đời mình để bài trí căn phòng này, vì ông biết rằng bệnh ông
khởi phát từ chỗ bị dập thương mà ra. Ông tìm nguyên do vì sao mặt bàn bị
xước và thấy cái diềm trang trí bằng đồng bị quăn lại trên quyển Album đã
gây ra vết xước đó. Ông cầm lấy quyển Album yêu quý do ông sưu tập một
cách say mê và buồn bực về sự cẩu thả của cô con gái và bạn bè của nó,
chỗ thì rách toạc, chỗ thì ảnh bị xáo trộn. Ông cố gắng sắp xếp lại cho có
trật tự, uốn lại chiếc diềm trang trí bị cong.