Malcolm thở phào nhẹ nhõm, rồi bắt tay ngay vào việc miêu tả tiếp phương
pháp kinh điển của Jahn Dixon Carra để tạo ra các tình huống “sau những
cánh cửa khoá trái”.
Lúc này, Heidegger lại tiếp tục công việc của hắn ta. Tuy vẫn nhớ đến lời
khuyên của Malcolm về cách thức cần cư xử với tiến sĩ Lappe, nhưng nghĩ
đến chuyện giấu diếm cấp trên điều sai sót mà mình phát giác được, hắn ta
lại toát mồ hôi hột. Ngoài ra, hắn còn hiểu rằng nếu tỏ ra tận tâm với công
việc và dò tìm được ngọn nguồn của cái sai sót đó, hay ít ra chứng minh
được với cấp trên năng lực của mình trong việc xử lý những vấn đề rắc rối,
thì cơ hội để phục chức và được cấp trên chiếu cố rõ ràng sẽ tăng thêm gấp
bội. Bởi thế, hắn đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ. Thói tự phụ
và tâm trạng hoảng hốt (hai khoản ấy mà hội lại với nhau thì bao giờ cũng
dẫn đến một kết cục chẳng ra gì!) là ngọn nguồn của tấn bi kịch dưới đây.
Hắn viết một tờ trình ngắn, gửi lên trưởng ban 17. Lời lẽ tuy được cân nhắc
đâu ra đấy và đầy vẻ úp mở, nhưng vẫn ám chỉ rất rõ đến cái sai sót, mà
hắn vừa mới tâm sự cùng Malcolm. Thông thường, mọi thứ giấy tờ công vụ
bao giờ cũng phải trình lên cho tiến sĩ Lappe xem trước, mặc dù lâu nay
vẫn hay xảy ra không ít trường hợp ngoại lệ. Giả như Heidegger cũng tuân
theo thông lệ ấy, thì mọi chuyện hẳn đã tốt đẹp: ai chứ tiến sĩ Lappe thì
đừng hòng được ông cho phép chuyển lên cấp trên những thứ giấy tờ công
vụ phê phán các sơ suất này nọ. Thừa hiểu chuyện đó, Heidegger đã tự tay
bỏ bản tờ trình vào một chiếc phong bì gửi công văn, dán lại cẩn thận, rồi
nhét vào chiếc bao vải đựng các thứ văn kiện cần chuyển đi.
Cơ quan CIA vẫn có hai chiếc ô tô riêng, được vũ trang đầy đủ, chuyên
dùng để chở công văn, giấy tờ của các cơ sở trực thuộc, đóng tại
Washington và các vùng phụ cận, về Tổng hành dinh, mỗi ngày hai lần,
trưa và tối. Tại Langley, cách thủ đô tám dặm, người ta sẽ tiến hành phân
loại, và chuyển những thứ ấy đến các địa chỉ cần thiết. Bản tờ trình của
Rich đã được chuyển đi vào chuyến trưa, ngay trong ngày, trên một trong