“Ông có học hát yodel không?”
“ Tôi e rằng không.”
“Thế thì quay về học đi.”
Câu nói làm tôi sững sờ và tôi ngả người về phía trước ngắm kỹ cô bé,
nhưng trước phản ứng của tôi, Sir Charles nói, “Xin đừng để ý. Từ khi mẹ
con bé mất, nó đâm ra bất trị.” Monica lè lưỡi trêu tôi, rồi nháy mắt và trước
sự ngạc nhiên của tôi, cô cất tiếng hát một bài yodel rất chuẩn vang khắp
chiếc Rolls. “Nó học theo máy hát đấy,” Sir Charles nói.
Tôi điện về Geneva nhờ cô giúp việc gửi đến một hộp đồ chơi kích thích
trí tưởng tượng mà người Thụy Sĩ làm rất giỏi, nhưng khi tôi đem tặng
Monica, cô bé lại không thèm nhận mà đưa luôn cho mấy đứa con của bà
giúp việc da đen rồi nói với tôi: “Thứ cháu thực sự thích là vài chiếc váy
dirndl
cơ.” Khi những cái váy kiểu ấy tới thì tôi đã thành ông chú được cô
bé yêu quý nhất.
Cô bé rất yêu âm nhạc, và trong nhiều năm, sau những đợt vắng mặt khá
thường xuyên, mỗi lần quay lại đó để kiểm tra con đập chúng tôi đang xây
dọc những khúc thượng lưu sông Vwarda, tôi lại mang cho cô đủ loại đĩa
hát, và nhờ có cô, tôi được biết sơ qua về rock-and-roll, nhịp Merseyside
và nhạc soul. Cô có vẻ cần âm nhạc, lần nào nghe nói tôi sắp rời châu Âu
sang Vwarda, cô cũng gửi thư khẩn cho tôi nói rõ cô muốn những đĩa hát
nào; cô bé say mê các ban nhạc Beatles, Rolling Stones, Animals và một
nhóm có tên là Procol Harum, nhưng lại không quan tâm tới phong cách
Mỹ, trừ một ban nhạc đặc biệt dữ dội tên là Canned Heat. Lần đầu tiên cô
dặn tôi mua những đĩa hát ấy, tôi đã nghe thử ở nhà trước khi mang sang
châu Phi nhưng rồi nhận ra mình không đủ khả năng đánh giá liệu những âm
thanh hoang dã kỳ lạ ấy có phải là âm nhạc hay không. Tôi chỉ trao những
đĩa hát ấy cho Monica và quan sát cô nghiến ngấu nghe chúng; hồi đó tôi
chưa ý thức được sức tàn phá của phần ca từ kèm theo bản nhạc. Tôi còn
khờ khạo cho rằng lời ca sai ngữ pháp mà không hề nhận thấy rằng đối với
lớp trẻ chúng là lời kêu gọi làm cách mạng.