Joe nhớ lại cuộc trao đổi với một sinh viên khoa nhạc, “Trường đại học
này có một khoa nhạc rất tuyệt. Các thầy của chúng tớ có thể dàn dựng
những vở nhạc kịch rất hay. Nhưng cậu có biết hội đồng quản trị đánh giá
như thế nào về khoa nhạc không? Đội diễu hành tuyệt như thế nào? Nếu một
trăm năm mươi cô cậu mặc quân phục nhún nhảy tiến vào sân bóng đá trong
giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp, và đi đều bước, thì năm sau khoa nhạc sẽ
được phân bổ ngân sách hào phóng... và mặc xác Beethoven. Hội đồng quản
trị có lý đấy. Cậu có biết vì sao không? Vì mỗi thành phố nhỏ ở California
đều yêu cầu trường trung học địa phương mình phải có một đội diễu hành...
mặc quân phục... đi đều bước... tập tành theo nhạc của John Philip Sousa.
Các công dân muốn như thế vì họ yêu quân đội... họ thích các cuộc diễu
hành. Và nếu trường này không đào tạo sinh viên tốt nghiệp khoa nhạc để
xây dựng đội diễu hành thì lạy Chúa, các thành phố nhỏ sẽ trông chờ ở các
trường đại học khác... và thế là chúng ta sẽ gay to. Hội đồng quản trị không
ngốc đâu. Họ biết cái gì là quan trọng.”
Joe bị cái lý thuyết quân nhạc ấy mê hoặc đến nỗi anh đã theo bạn tới một
thành phố nhỏ để xem đội diễu hành do một sinh viên mới tốt nghiệp khoa
âm nhạc huấn luyện, và mọi việc đúng như bạn Joe mô tả, trừ một điểm là
ngoài đội diễu hành, họ còn có thêm một đội diễn tập gồm các em gái độ
mười ba mười bốn tuổi mặc quân phục và được trang bị súng gỗ mô phỏng
giống hệt súng trường dùng trong quân đội, bổ sung thêm cả dây đeo bằng
da cho hoàn chỉnh. Dưới sự chỉ huy của một cựu chiến binh khoảng năm
mươi tuổi, các em gái diễn tập nghiêm chỉnh như thể chúng là một đại đội
bộ binh đang trên đường đi chiến đấu trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc, và
cuối cùng, khi các em xếp hàng một làm động tác bắn chào, một khẩu đại
bác nổ vang và thế là mọi người phấn khởi hò reo.
* * *