Và chuyện bẽ bàng nhất lại là,
Nàng Mary Hamilton đã sinh một đứa con,
Cho đức vua Stewart anh minh.
Sau này, khi nghiên cứu khúc ballad tuyệt vời ấy, tôi đi đến kết luận rằng
sự tiến triển của ba dòng đầu, cách miêu tả tin đồn loang khắp hoàng cung -
bay đến, bay khắp, lên tới - là thơ ca dân gian ở đỉnh cao nhất. Toàn bộ sự
đau khổ của khúc ballad được báo trước trong những câu ca dồn dập không
kịp thở đó, và lần đầu tiên tôi nghe Gretchen Cole hát những câu đó, cô đã
truyền cho chúng một ý nghĩa lịch sử tuyệt vời. Mary Hamilton là cô gái có
thật, bị rơi vào một vụ tai tiếng vô phương chối cãi; đây là sự khởi đầu chỉ
có thể kết thúc trên đoạn đầu đài, và những tình huống hấp dẫn như vậy là
chất liệu của thơ ca.
Đến đoạn cuối, cũng hay một cách u sầu không kém gì đoạn đầu,
Gretchen hát với sự trầm lắng và đau buồn học từ bà ngoại, học trò của ông
giáo sư; tôi chưa bao giờ nghe đoạn kết một khúc hát dân gian nào mang đến
cho tôi cảm giác hoàn toàn thỏa mãn như khúc này, có lẽ vì mỗi khi lắng
nghe tôi lại nhớ đến không khí im lặng luôn tràn ngập căn phòng khi
Gretchen Cole hát những lời cuối:
Tối qua nữ hoàng có bốn Mary,
Đêm nay, bà chỉ còn ba;
Trước đó có Mary Beaton, Mary Seaton,
Và Mary Carmichael, và ta.
Hai dòng đầu là bản chất của bi kịch, được miêu tả sơ sài; hai dòng cuối,
với chuỗi tên thật rất ấn tượng của các cô gái, mang bi kịch trở về thực tế và
nhắc chúng ta nhớ rằng một cô gái có thật sắp bị treo cổ.
Bởi vậy tôi giật mình khi bà Cole nói với tôi, “Lần nào hát khúc 173, mẹ
cũng sẽ kể cho bọn trẻ chúng tôi nghe câu chuyện thực sự về Mary
Hamilton, như giáo sư Child đã kể cho bà, và nó luôn làm chúng tôi rùng
mình sợ hãi.”