Samarkand, Pretoria hay Marrakech. Tuổi trẻ là thời dành cho ước mơ và
phiêu lưu, không phải chiến tranh. Hãy vào tù khi cậu đã bốn mươi tuổi, bởi
vì lúc đó - ai thèm quan tâm chứ?”
* * *
Ngày 1 tháng Giêng năm 1969, Joe bắt đầu cuộc hành trình đi vào cảnh
lưu đày, và việc không chọn đường Nam tiến dễ dàng để tới Boston mà chọn
những xa lộ đóng băng ở miền Bắc đã thể hiện rõ tính cách của anh, anh
cũng không hề nghĩ đến việc gọi điện thoại cho ông bố bà mẹ bất lực của
mình: cha anh sẽ cằn nhằn còn mẹ anh sẽ khóc lóc, giữa cha mẹ và con cái
sẽ chẳng nói được điều gì thích đáng cả.
Anh đi nhờ xe lên thung lũng trung tâm bang California, tới Sacramento
thì theo hướng Đông tới Reno. Các ngọn đèo cao đều phủ tuyết, vì vậy thỉnh
thoảng anh có thể ngước lên cả hai bên thấy những dải băng đặc nằm cách
ba, bốn foot
phía trên đầu. Rồi anh cắt ngang qua bang Nevada trống trải
hoang vắng để tới Salt Lake City, dành một vài ngày ở đây để cảm nhận thủ
đô của những người theo đạo Mormon, nhưng những phút giây ngây ngất
đầu tiên - sự phấn khích mà anh kiếm tìm, cảm nhận về nước Mỹ - chỉ tới
sau này, khi anh vượt qua những vùng đất hoang bao la cằn cỗi của bang
Wyoming. Con đường chạy dài về phía Đông bằng những đường uốn lượn
đẹp mắt qua núi non và những đồng bằng vô tận. Anh nhanh chóng vượt qua
năm, sáu mươi dặm đường, không hề nhìn thấy dù chỉ một trạm xăng, chỉ
thỉnh thoảng mới có một thị trấn nhỏ xíu trông như con bê lạc đàn lang
thang vô định trong khoảng mênh mông của bầu trời và vùng đất hoang vu.
Trên dãy núi Continental Divide chia cắt vùng đất phía Tây mà Joe vừa đi
qua với vùng phía Đông mà anh sắp đến, một cơn bão tuyết đuổi kịp anh, rồi
khi anh ngồi trong chiếc xe tải xuyên qua đêm tối tiến về Cheyenne, ánh đèn
pha phản chiếu lên hàng triệu bông tuyết lấp lánh.