con sẽ phải lấy người Đức. Nguy hiểm gần kề như vậy đó. Vì vậy mọi người
và mẹ phải canh chừng tàu Tirpitz.
“Trong gần hai năm... các con có tưởng tượng được nó là khoảng thời
gian dài như thế nào không? Trong hai năm cha các con ở trên núi và báo
cáo với London mọi việc xảy ra ở Tromsø. Nếu có chiến hạm nào trốn trong
vùng biển của chúng ta, cha các con sẽ điện cho máy bay ở London và hôm
sau quân ta sẽ ném bom xuống chiến hạm đó, và cũng xuống cả nhà chúng
ta nữa, nhưng chúng ta không quan tâm đến chuyện đó vì chúng ta đều biết
rằng vẫn còn có cơ hội.
“Và rồi một ngày tháng Chín năm 1944, các con có đoán được cái gì xuất
hiện quanh mũi đất này không?”
“Chiến hạm Tirpitz,” bọn trẻ trả lời.
“Nó to lớn đến nỗi chúng ta không thể tin nó sẽ lọt được vào giữa quần
đảo. Mẹ còn nhớ mẹ đã chạy xuống bến ở đằng kia xem nó cao vút giữa
không trung như thế nào. Các con không thể tin nổi đâu. Chỗ thuyền trưởng
đứng còn cao hơn nhiều so với bất kỳ tòa nhà nào ở Tromsø và các cỗ đại
bác của nó thì khổng lồ đến nỗi chỉ nhìn thấy chúng thôi các con đã đủ chết
khiếp rồi. Chúng ta không cần nghe nói cũng biết nếu vật ghê tởm này được
tự do trên Đại Tây Dương thì nó sẽ đánh chìm toàn bộ tàu của quân Đồng
minh. Đó là một thứ vũ khí gớm ghiếc đang ẩn náu trong cảng của các con.
Thử nhìn xem nó đáng sợ đến mức nào, ngay cả khi nó đã nằm yên.”
Mùa hè nào cũng vậy, cứ đến chỗ này là bọn trẻ lại nhìn chằm chằm
xuống chiếc vỏ tàu khổng lồ và rùng mình khi thấy nó vươn mình mãi xa
trong làn nước dưới chân chúng, như một con quái vật chờ đợi thời cơ vươn
lên mặt biển để phá hủy tất cả. Khi mẹ chúng tiếp tục câu chuyện, bà luôn hạ
giọng, nhưng đó là đoạn chúng thích nhất vì nó liên quan đến cha mẹ.
“Chiến hạm Tirpitz vừa tới, tên chỉ huy Đức ở Tromsø đã huy động thêm
cảnh sát để kiểm tra bất kỳ người nào khả dĩ có được một chiếc radio. Hắn
cho máy bay bắn súng máy xuống những điểm cha các con có thể ẩn náu.
Còn các đội tuần tra và đàn chó càn quét trên sườn núi. Nhưng cha các con
đã làm gì?”