phải chăm lo cho con cái của cô ấy - ông luôn gọi bọn trẻ là “con của cô ấy”
Công việc của ông không cho ông thời gian để đi du lịch, vả lại nếu có thì
ông cũng không có tiền. Bốn cái huân chương được bày trong một cái hộp
lót nhung treo trên tường và Ceylon dần lùi xa vào huyền thoại. Nó vẫn tồn
tại trong ánh mặt trời bất diệt của nó ở nơi chân trời xa lắc nào đó, nhưng
đến đầu những năm 1960 ông đã nhận ra rằng mình sẽ không được nhìn thấy
nó.
Điều đó không có nghĩa là ông đã mất hứng thú. Xuất phát bằng tờ báo
người vợ tương lai mang đến, ông bắt đầu sưu tầm tất cả những gì liên quan
tới Ceylon. Ông có những tấm bản đồ, một tập giấy biên nhận hàng hóa gửi
đi Colombo, những bài tường thuật các chuyến du hành thế kỷ mười chín,
những mảnh vải của người Sinhala, và đặc biệt là một loạt áp phích quảng
cáo của hãng hàng không thể hiện những quang cảnh sống động khắp Kandy
và Ratnapura. Giữa những khoảng thời gian mong ngóng hồi hộp, thỉnh
thoảng lại có một khách lữ hành nào đó từng ghé thăm Ceylon dừng chân ở
Tromsø, và sau đó, tại quầy rượu của Grand Hotel, người ấy sẽ phát biểu,
“Tay Bjørndahl đó còn hiểu biết về Ceylon hơn cả tôi, mà tôi đã từng tới đó
đấy.”
Gia đình Bjørndahl nhượng bộ trước niềm đam mê của ông: một căn
phòng nhỏ được dành riêng ra cho những vật lưu niệm về hòn đảo đó. Trên
tường treo kín bản đồ và trang trí áp phích quảng cáo của các hãng hàng
không, nhưng nổi bật nhất là một món đồ mãi sau này ông mới có, chiếc
máy hát được ông cho quay đi quay lại các trích đoạn ấn tượng của vở Thợ
mò ngọc trai do Georges Bizet sáng tác mà ông đã sưu tầm từ nhiều nguồn
tình cờ. Cho đến thời điểm này, ông đã tìm được một đoạn nam cao lĩnh
xướng, một bè đôi với giọng nam cao và nam trung, và một đoạn đặc biệt
trong đó giọng nữ cao cầu xin thần Brahma và Shiva phù hộ cho thợ mò
ngọc trai được an toàn. Những lúc ngồi trong phòng Ceylon nghe các trích
đoạn ám ảnh này, dường như ông không còn ở Tromsø mà đang ở chính
mảnh đất ông say mê đó.