hỏi ông về vấn đề này, ông nói: “Chừng ấy thì tôi có thể hứa với cô được.
Thế hiện giờ cô đã có bao nhiêu rồi?” Khi cô cho ông biết, ông nói: “Bốn
mươi thì còn lâu mới tới một trăm năm mươi, nhưng cô còn trẻ, cô phải cố
gắng lên. Chuyến du lịch này có thể thay đổi cuộc đời cô đấy.”
Ông chỉ cho cô thấy nếu cô làm việc đến hết tháng Giêng và tiết kiệm
từng xu tiền lương, cô sẽ có gần đủ số cần thiết. Ngoài ra, ông nghĩ cô có
thể làm đêm ở một cửa hiệu nào đó đang muốn giải quyết hết hàng tồn đọng
sau Giáng sinh, nhưng việc này xem ra cũng không thực tế, vì vậy cô tìm
được một cách giải quyết khác: cô có thể giúp ông đánh máy báo cáo gửi về
tổng công ty ở Copenhagen, và cô đã làm như vậy, hết đêm này sang đêm
khác.
Ngay sau kỳ nghỉ đầu năm, ông Sverdrup nhận được áp phích mới quảng
cáo về các chuyến đi nghỉ ở Tây Ban Nha, và khi bỏ tấm cũ ra khỏi cửa sổ,
ông hỏi Britta: “Cô có muốn treo cái này trong phòng cô không?” Cô định
cầm nó như kỷ vật về một mảnh đất cô đã dần dần yêu mến, nhưng chưa đưa
tay ra cô đã nhận thấy tấm áp phích này như một sự cám dỗ, thứ đầu tiên
trong vô vàn vật thay thế sẽ được cô dán khắp phòng như hồi ức về những
ước mơ không thành, nên cô từ chối. “Với tôi thì không có áp phích gì cả.
Tôi muốn người thực việc thực.”
Chính sự hết mình không gì lay chuyển nổi trước thực tiễn đó đã khuyến
khích ông Sverdrup nói hết mọi chuyện với cô. Chờ cho đến khi cô có mặt
sau giờ làm vào một buổi tối thứ Hai lạnh giá âm u, ông bảo cô: “Tuần này
không có việc đánh máy. Nhưng có một điều tôi phải nói cho cô biết.” Ông
dẫn cô vào phòng trong và mời cô ngồi xuống ghế. “Chính xác thì cô đã có
bao nhiêu tiền?” ông hỏi. Cô cho ông xem thành quả tiết kiệm của cô, và
ông nói: “Cô Bjørndahl, cô có vừa đủ rồi.”
“Không!” cô phản đối. “Tôi sẽ không đi xuống đó như một kẻ không xu
dính túi. Tôi phải có bảy mươi lăm đô la tiền chi tiêu.”
“Cô đã có rồi,” ông nói.
“Ông thêm thắt bằng cách nào vậy?” cô hỏi.