* * *
Theo định kỳ, những người Mỹ trọ ở khách sạn Bordeaux lại thấy cần
phải ra khỏi khu phố cũ của Marrakech và đánh bạo đi vào khu phố mới.
Những dịp đó, họ rời khỏi vòng bảo vệ của dãy tường đỏ cổ xưa để như
quân xâm lăng Visigoth
lang thang vào khu thương mại rộng lớn nằm lọt
thỏm giữa những dãy nhà thanh lịch từ thời Pháp thuộc. Phần đất Marrakech
này giống như bất cứ cộng đồng ngoại ô giàu sang nào của Paris hay Los
Angeles, và đám hippy trông lạc lõng đến nực cười. Họ ý thức được điều
này, vì họ đi đứng thiếu tự nhiên, biết rõ cảnh sát đang theo dõi, nhưng
những chuyến “bay” ấy thì không thể tránh được, cho dù chẳng mấy thích
thú.
Vào ngày thứ Năm đặc biệt, tôi được yêu cầu cùng tham gia đoàn thám
hiểm, vì vậy thỏa thuận là tất cả những người liên quan sẽ tập hợp tại quán
Terrace lúc mười một giờ trưa, và tôi đang uống cà phê ở đó thì nhìn thấy
đoàn người tạp nham ấy hàng một đi vào quảng trường Djemaá, Big Loomis
dẫn đầu, một động vật da dày đeo chuỗi hạt, vòng tay xủng xoảng, đôi bốt
da bò Tây Tạng nện cồm cộp và cái túi thêu dành cho phụ nữ lủng lẳng trên
vai trái. Theo sau ông ta là ba cô gái gầy đét trước đây tôi mới thấy loáng
thoáng; họ đến từ nhiều vùng khác nhau của Hoa Kỳ, và như cha mẹ họ biết
thì họ vẫn đang nghiên cứu tiếng Pháp tại trường đại học ở Besançon. Phía
sau họ là hai chàng trai quê ở New England đầu tóc bù xù to như quả dưa
hấu, theo sau là Monica và Gretchen mặc váy ngắn, và cuối hàng là Yigal và
Cato, Cato mặc bộ quần áo kỳ cục nửa châu Phi, nửa đại học Pennsylvania.
Trong lúc họ từ từ tiến bước qua quảng trường Djemaá, Big Loomis phải
chịu đựng không ít lời lăng mạ của thằng Jemail cùng đồng bọn, còn những
người khác lại được chào đón thân thiện. Những người bán hàng quen mặt
đều gật đầu chào ra vẻ tán dương khi đoàn tháp tùng đi qua còn đám đông ở
bãi gửi xe đạp thì rẽ ra nhường lối. Cuối cùng Big Loomis cũng đến trước
nhà hàng, ngẩng bộ mặt to bè lên phía ban công tôi đang ngồi và gọi, “Chú