khi nói chuyện, cô lại nghe thấy giai điệu thê lương của khúc cavatina, và
nỗi niềm khao khát tuyệt vọng từ khúc nhạc ấy vò xé trái tim cô đến nỗi cô
phải quay lại chỗ người cha đang ngồi cô đơn lật giở sách vở. “Cha ước gì
được đi với con,” ông nói, nhưng điều ông muốn nói lại là, “Cha ước gì
mình có đủ can đảm thoát ly từ những năm trước.”
Tại sân bay, Britta hôn Gunnar chiếu lệ, chủ yếu vì anh kéo theo vài
người bạn và sẽ khó xử nếu cô không làm cho họ tưởng hai người vẫn yêu
nhau. Đến lúc tạm biệt mẹ, cô cảm thấy sự xúc động trào dâng trong lòng,
và trong một giây ngắn ngủi, cô phải thầm công nhận nguyên nhân thực sự
khiến cô phải tranh đấu tuyệt vọng như vậy để đi Tây Ban Nha, “Mình sẽ
rời Tromsø vĩnh viễn. Mình không thể chịu đựng được tính trật tự chán
ngắt... những năm tháng không bao giờ thay đối... các quy tắc nặng nề đối
với vẫn từng ấy thứ cũ kỹ... Mình không muốn chờ mười năm rồi mới bắt
đầu cuộc sống của mình. Mình không muốn đường hầm nữa.”
Rồi, ngay chính cô cũng bất ngờ, Britta buột miệng nói thật với mẹ, “Con
sẽ không quay lại... không bao giờ. Mẹ nói với cha nhé.”
Bà Bjørndahl chộp lấy cánh tay cô, định bắt giải thích về tuyên bố bất
thường ấy, nhưng Britta đã đẩy bà ra và chạy về phía máy bay, leo nhanh
lên cầu thang trước khi mẹ cô đuổi kịp.
* * *
Đến Copenhagen, cô phải chờ hai giờ trong khi ba chiếc máy bay mà
công ty du lịch thuê được nhồi chật kín. Chiếc thứ nhất đi Tây Ban Nha đã
có một số lớn khách, nhân viên của công ty du lịch mà Britta hỏi tin cho
rằng tất cả hành khách dự bị sẽ bay trên chiếc thứ hai đi Marốc. “Đó là một
nơi tuyệt vời. Cô sẽ thích cho mà xem.” Chiếc máy bay thứ ba đi Hy Lạp
cũng được khách quen chiếu cố đặt chỗ, nhưng trên đó chắc chắn không còn
ghế trổng. Vì vậy hoặc là Marốc hoặc là Torremolinos, và Britta bắt đầu
cầu nguyện.