Jemail liền đọc vanh vách toàn bộ lịch bay, vậy là tôi ra chỗ điện thoại hỏi
xem chúng tôi có thể đặt một vé chắc chắn đi Rome không. Việc đó được
thu xếp xong xuôi, nhưng khi tôi dợm hỏi về chuyến bay tiếp đến New York,
Yigal liền đặt tay lên máy điện thoại nói, “Tôi đã quyết định quay về Israel.”
Tuyên bố này làm tôi bất ngờ đến nỗi ngắt rụp cuộc gọi và quay lại định hỏi
xem có chuyện gì, nhưng Holt đã bật dậy khỏi ghế, túm lấy Yigal.
“Cậu vừa nói cái quái gì thế?” Holt chất vấn.
“Là tôi đã đi đến một quyết định.”
“Quyết định từ bỏ tư cách công dân Mỹ ư?”
“Phải.”
Holt nhìn tôi như thể chỉ có tôi mới giải thích được những gì anh vừa
nghe thấy, nhưng tôi cũng choáng váng chẳng kém gì anh, bởi vì suốt mấy
tuần vừa rồi, không có dấu hiệu nào cho thấy Yigal sẽ chọn Israel. Thực ra,
mọi dấu hiệu đều chứng tỏ điều ngược lại.
“Chuyện gì thế?” tôi hỏi.
“Vậy anh ấy là lính Israel thật?” thằng Jemail tự mãn hỏi.
“Im cái mồm chết tiệt của mày đi,” Holt quát và đẩy thằng bé Ả rập ngồi
xuống ghế. Rồi, để đề phòng, anh khóa cả cửa ra vào lẫn cửa sổ, ném hai tờ
séc du lịch hai mươi đô la xuống bàn. “Khi nào máy bay cất cánh, tao sẽ ký
vào đây,” anh nói. Rồi, quay về phía Yigal, anh hỏi, “Điều gì làm cậu bối rối
thế, chàng trai?”
Yigal ngẫm nghĩ một lúc rồi nói, “Mấy ngày vừa qua đã cho tôi thấy
nhiều điều. Cato và quan điểm của anh ấy. Tôi cho chúng là quan điểm phổ
quát. Người Do Thái quả thực phải chịu nỗi sỉ nhục. Và cuộc thao diễn
không thể tin nổi ngày hôm qua nữa. Đám kỵ sĩ ấy phóng ngựa và bắn
những cây súng cổ lỗ... như thể việc đó chẳng có nghĩa lý gì.”
“Một khẩu súng máy Israel chất lượng thôi,” Jemail xen vào. “Tạch-tạch-
tạch. Thế là đi đời đám kỵ sĩ.”
Yigal quay lại nhìn thằng bé Ả rập và nói, “Đó chính là điều tôi muốn nói.
Thằng bé nhìn mọi việc quá rõ ràng. Đám kỹ sư thì quá mù quáng. Biết đâu