nổi tiếng khắp Marốc - nói chuyện với người chết. Vào sáng sớm - các bạn
nhớ cho là năm 1908 nhé - ông ta sẽ chôn sống một nô lệ và để lại một cái
ống cắm xuyên qua đất cho người đó thở được. Rồi đến trưa, khi đám đông
đã tập trung lại, ông ta tuyên bố mình có thể nói chuyện với người chết, rồi
đứng gần cái ống thở và hỏi hết câu này đến câu khác, để người nô lệ bị
chôn trả lời. Sau tám hay mười phút khiến đám đông kinh ngạc bởi những
câu trả lời rõ ràng rành mạch bằng giọng của người đàn ông kia, Bou
Hamara sẽ di gót giày vào ống thở và vùi nó luôn. Tất nhiên, người nô lệ sẽ
chết ngạt, và sau một giờ, khi biết chắc kẻ kia đã chết hẳn, Bou Hamara sẽ
giấu biến cái ống đi rồi mời khán giả đào cái xác lên. Ông ta đã thực hiện trò
lừa đảo đó hơn năm trăm lần.”
“Và tất nhiên, những nô lệ ấy đều là người da đen phải không?” tôi gợi ý.
“Cuốn sách nói như vậy.”
“Mẹ kiếp, Gretchen, em lúc nào cũng ném lịch sử vào mặt anh,” cuối
cùng Cato cũng phải thốt lên. “Em đang cố chứng minh điều gì mới được
chứ?”
“Người Mỹ da đen đang đưa ra một số kết luận lịch sử về đạo Hồi,” cô
đáp. “Em nghĩ anh nên biết vị trí truyền thống của người da đen trong đạo
Hồi là gì.”
“Một mớ chuyện hư cấu,” anh khịt mũi. “Ba mươi nghìn người bị một
người giết. Năm trăm người bị một người khác chôn sống. Chuyện ma
chuyện quỷ.”
“Đúng là cách diễn đạt chính xác đấy,” tôi nói. “Thành phố này toàn ma
quỷ ngự trị - hàng nghìn hàng vạn con mà tôi hãy còn chưa nói đến. Một tỷ
lệ rất lớn trong số đó là nô lệ, và họ đều da đen.”
“Tại sao ông nói với tôi chuyện này?” Cato bực bội quát lên. “Ông dàn
dựng vụ này vì muốn tốt cho tôi hả?”
“Chuyến đi Casablanca là ý tưởng của Holt. Nhưng tôi đã nghĩ bụng: nếu
mất công đi xa đến thế chẳng để thấy được điều gì, chúng ta hoàn toàn có
thể đi xa thêm chút nữa để thấy được cái gì đó.”