sau đó, bận rộn vừa trông quầy vừa phục vụ tận bàn, anh không lại bàn cô
thêm lần nào nữa. Khi quay trở lại, anh vẫn nói vô thưởng vô phạt như
trước. Cô hỏi anh ở bang nào của nước Mỹ, nhưng anh chưa kịp trả lời đã
bị gọi về quầy rượu.
Đến hai giờ sáng thì cô bị cuốn vào cuộc chuyện trò với ba lính Mỹ đóng
ở căn cứ hải quân Rota, một nhóm thanh niên ồn ào và phóng khoáng. Vì cô
có mái tóc vàng và là dân Scandinavia nên họ khăng khăng rằng cô là
người Thụy Điển và muốn biết cô nghĩ gì về lời cáo buộc nổi tiếng của tổng
thống Eisenhower rằng Thụy Điển là một đất nước suy đồi, xã hội chủ
nghĩa, phi đạo đức, nơi mà nạn tự vẫn lan tràn khắp nơi. “Tôi không phải là
người Thụy Điển,” cô nói, “nhưng tôi không tin một chính khách ngoại
quốc ở vào địa vị của tổng thống Eisenhower lại đưa ra lời buộc tội như
vậy.”
“Nhưng cô là người theo chủ nghĩa xã hội, phải không?” một anh thủy
thủ gặng hỏi.
“Theo như tôi biết thì không,” cô đáp. Và khi đám lính thủy bắt đầu quay
ra lăng mạ người Thụy Điển, buộc tội họ khuyến khích lính Mỹ đào ngũ, thì
cô tìm cách phản bác lý lẽ của họ, rồi buột miệng: “Thế Việt Nam thì sao?”
Đám lính thủy mỗi người trả lời một cách, và cuộc tranh luận tiếp tục cho
đến tận bốn giờ sáng. Họ thích cách nói năng thẳng thắn của cô và muốn
biết ngày hôm sau có thể gặp cô ở đâu, cô đáp, “Ngoài bãi biển. Còn ở đâu
được nữa?” Vậy là cả bọn sững sờ hỏi lại: “Cô muốn nói là cô sẽ đi bơi à?
Vào tháng Hai?” Cô liền bảo họ, “Người Na Uy là dân miền biển thực sự.
Không phải các chú bé mặc áo lính thủy,” và thế là một người Mỹ túm vai
cô hôn tạm biệt, reo lên, “Cô chính là cô nàng Viking nhỏ bé mà tôi tìm kiếm
bấy lâu nay đấy.”
Một lần nữa cô đã xoay sở qua được hết đêm.
* * *