chịu được sự biến động môi trường ngoài quá lớn, được gọi là “động vật hẹp
muối” (stenohaline); trái lại, “động vật rộng muối” (euryhaline) là những động
vật có thể sống được trong môi trường có áp suất thẩm thấu biến động lớn. Ví
dụ, nhiều loài cá hồi là các động vật rộng muối. Điển hình hơn là cá rô phi
Tilapia mossambica. Loài cá này vừa có thể sống trong nước ngọt, vừa có thể
sống trong nước có nồng độ muối cao gấp đôi nồng độ muối của nước biển.
Sau đây, ta sẽ xem xét kỹ hơn về sự thích nghi của các động vật biển, động
vật nước ngọt và động vật sống trên cạn.
- Động vật biển:
Động vật hình thành và phát triển đầu tiên trong môi trường nước biển, và
hiện tại số lượng loài động vật sống ở biển còn nhiều hơn số lượng loài động
vật sống trong nước ngọt và trên cạn. Đa số các động vật không xương sống ở
biển đều là các động vật thích nghi thẩm thấu. Tổng áp suất thẩm thấu nội môi
của cơ thể chúng cân bằng với áp suất thẩm thấu của nước biển. Song, chúng
khác với nước biển về nồng độ của đa số chất tan có trong cơ thể chúng mà
không có trong nước biển. Do vậy, kể cả động vật thích nghi với áp suất thẩm
thấu của môi trường ngoài thì vẫn phải điều hòa thành phần các chất hòa tan
trong nội môi.
Ngoài ra, các động vật có xương sống và một số động vật không xương sống
sống ở biển là những động vật điều hòa thẩm thấu. Đối với những động vật
này, nước biển mặn hơn so với dịch nội môi và nước có xu hướng thoát ra khỏi
cơ thể do thẩm thấu. Các loài cá xương ở biển, ví dụ như cá tuyết, là nhược
trương so với nước biển nên luôn bị mất nước do thẩm thấu và thu nhận nhiều
muối do khuếch tán từ nước biển và từ thức ăn. Cá điều hòa cân bằng lượng
nước mất đi bằng cách uống một lượng nhiều nước biển, mang của chúng loại
thải nhiễu muối NaCl; trong mang có những tế bào đặc biệt, có khả năng vận
chuyển tích cực các ion Cl- cùng với ion Na+. Thận của cá biển loại thải một
lượng rất lớn ion canxi, magie và sunphat và chỉ bài xuất rất ít nước ra ngoài
môi trường.
Cá mập và đa số cá sụn có áp suất thẩm thấu nội môi thấp hơn so với nước
biển nên muối có xu hướng khuếch tán vào cơ thể chúng, đặc biệt qua mang.