Dịch xylem có thể được nâng lên đến độ cao hơn 100m trong các cây rất
cao. Có 2 cơ chế tạo nên lực đẩy dịch xylem lên cao.
a) Áp suất rễ
Ban đêm khi cây thoát hơi nước rất ít hoặc không thoát hơi nước, các tế
bào rễ vẫn liên tục bơm các ion khoáng vào mạch xylem của trụ mạch.
Trong lúc đó các tế bào nội bì ngăn không cho các ion khoáng thoát trở ra.
Sự tích lũy chất khoáng làm giảm thế nước trong mạch xylem. Dòng nước
từ lớp vỏ rễ xâm nhập vào xylem sẽ tạo nên áp suất rễ có tác động đẩy cột
dịch xylem lên trên. Nhiều khi áp suất rễ làm nước dâng lên lá nhiều hơn
nước bị thoát đi do đó gây nên sự ứ giọt ở lá mà thường thấy ở dạng các
giọt nước đọng ở dọc mép lá và ta cũng dễ dàng phân biệt chúng với lớp
sương ẩm đọng trên lá do sự thoát hơi nước.
Trong đa số cây, áp suất rễ là cơ chế phụ có tác động đẩy dòng dịch
xylem lên cao, lực đẩy mạnh nhất cũng chỉ lên cao được vài mét. Nhiều cây
hoàn toàn không tạo được áp suất rễ. Thậm chí cả đối với những cây có ứ
giọt, áp suất rễ cũng không bù nổi sự thoát hơi nước sau khi mặt trời mọc.
Trong phần lớn trường hợp, dịch xylem được đẩy lên cao không do áp suất
rễ mà là do bản thân lá.
b) Cơ chế thoát hơi nước - liên kết - sức trương: Lực kéo làm dâng cao
dịch xylem
Cơ chế này do sự kết hợp giữa lực kéo tạo nên do sự thoát hơi nước ở lá
với sự liên kết của các phân tử nước với nhau nhờ liên kết hydro tạo nên cột
nước liên tục từ đỉnh đến rễ và với sức trương nước do tế bào lá tạo nên.
Các khí khổng trên bề mặt lá tạo nên một hệ thống mê cung chứa không
khí tạo điều kiện cho các tế bào trung diệp hấp thu CO2 cần thiết cho quang
hợp. Không khí trong những mê cung đó no hơi nước do hơi nước bốc hơi
từ tế bào lá. Ban ngày, không khí bên ngoài lá là khô hơn do đó thế nước
thấp hơn so với bên trong lá. Do đó sẽ dẫn đến sự bốc hơi nước từ lá ra
ngoài thông qua khí khổng. Sự mất nước từ lá do sự khuếch tán và bốc hơi
được gọi là hiện tượng thoát hơi nước.