Sự thoát hơi nước ở lá đã tạo ra lực kéo làm vận chuyển nước lên cao
trong mạch xylem. Nước được mang tới lá thông qua các mạch xylem của
gân lá thấm vào các tế bào trung diệp và vào thành tế bào của chúng. Sự vận
động này của nước tùy thuộc vào sự liên kết của nước với các vi sợi
xenluloz và các cấu thành ưa nước khác của thành tế bào. Đầu tiên nước bốc
hơi từ màng nước mỏng lót các xoang khí bao quanh các tế bào trung diệp.
Càng nhiều nước bốc hơi càng làm cho bề mặt giao diện khí - nước của
thành tế bào bị cong lõm lại (hình 1.3). Thành càng cong càng làm giảm áp
suất (trở nên âm) ở vùng giao diện khí - nước. Kết quả là các phân tử nước
ở vùng tích nhiều nước của lá sẽ bị kéo vào vùng giao diện khí - nước, nơi
sức trương bị giảm. Lực kéo này sẽ được chuyển vào mạch xylem bởi vì các
phân tử nước liên kết với nhau nhờ liên kết hydro thành cột nước liên tục.
Như vậy lực kéo do thoát hơi nước là tùy thuộc vào tính chất liên kết đặc
biệt của nước và cả sức trương bề mặt do nước tạo nên. Như vậy thế nước
âm ở lá do thoát hơi nước đã tạo nên lực kéo làm dâng cột nước trong mạch
xylem.
Hình 1.3. Sự thoát hơi nước tạo nên lực kéo ở lá
c) Liên kết và dính kết trong sự dâng cao của dịch xylem
Lực kéo thoát hơi nước được truyền tải khắp cột dịch xylem từ lá đến tận
đỉnh rễ và tới cả dịch đất. Lực liên kết và dính kết của cột nước trong mạch
xylem đã tạo điều kiện vận chuyển nước theo khoảng cách xa một cách dễ
dàng. Lực liên kết có được là do các phân tử nước liên kết với nhau thành
cột nước liên tục (nhờ liên kết hydro giữa các phân tử nước). Lực dính kết
là do tính chất của các phân tử nước dính kết với thành ưa nước của các tế
bào mạch xylem và giúp cho cột nước trong mạch xylem chống lại trọng lực