+ Theo con đường máu: Các axit amin, các đường đơn và các vitamin còn
lại, muối khoáng và nước sau khi hấp thụ sẽ được vận chuyển theo các mao
mạch máu, theo các tĩnh mạch ruột qua gan và tĩnh mạch chủ dưới để về tim,
nhờ đó gan đã xử lý và điều chỉnh nồng độ các chất trong máu được ổn định.
d) Quá trình đào thải
Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình tiêu hóa thể hiện ở chỗ những
nguyên liệu không được tiêu hóa và không được hấp thụ sẽ bị đào thải ra khỏi
ống tiêu hóa ở dạng phân. Phân thường được hình thành trong phần cuối của
ruột là ruột già và được tích trữ trong phần cuối của ruột già là trực tràng, và
được thải ra ngoài qua hậu môn. Trong phần ruột già, thức ăn không được tiêu
hóa sẽ bị biến đổi trở lên rắn hơn nhờ sự hấp thụ lại nước.
2.1.3. Hệ cơ quan tiêu hóa và hoạt động của cơ quan tiêu hóa
a) Hai hình thức tiêu hóa
Như chúng ta đã biết, động vật thuộc cơ thể dị dưỡng. Chúng tiêu hóa thức
ăn chứa các chất hữu cơ phức tạp (cacbohydrat, lipit, protein, axit nucleic) nhờ
các enzym do các tế bào của chúng tiết ra. Để tránh cho sự phân giải các chất
hữu cơ của bản thân, quá trình tiêu hóa (chủ yếu là quá trình biến đổi hóa học)
ở động vật thường diễn ra trong những xoang riêng biệt tạo nên hệ tiêu hóa của
cơ thể. Có 2 hình thức tiêu hóa là: tiêu hóa nội bào và tiêu hóa ngoại bào.
- Tiêu hóa nội bào:
Tiêu hóa nội bào là sự phân giải các chất hữu cơ xảy ra trong tế bào trong
những xoang riêng biệt gọi là lizoxom. Nhiều tế bào có khả năng thu nhận các
phần tử hữu cơ thông qua hiện tượng thực bào, hoặc uống bào để tạo thành các
thể thực bào và thể uống bào. Các thể thực bào và thể uống bào bị hòa hợp với
lizoxom và bị phân giải bởi các enzym thủy phân có trong lizoxom. Động vật
đơn bào, một số động vật đa bào đơn giản (ví dụ như hải miên) tiêu hóa thức ăn
bằng phương thức tiêu hóa nội bào (hình 2.2).