2.1.4. Tiến hóa thích nghi của hệ tiêu hóa. Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động
vật ăn cỏ
Thành phần chủ yếu trong thức ăn của động vật ăn cỏ là xenluloz, thành
phần chất đạm và chất béo tương đối ít. Nói chung, hàm lượng chất dinh
dưỡng trong thức ăn thực vật là ít nên lượng thức ăn cần cung cấp phải đủ
nhiều, do đó nơi chứa thức ăn phải đủ lớn và ruột phải đủ dài để bảo đảm cho
quá trình tiêu hóa và hấp thu thuận lợi hơn, nhằm cung cấp đủ chất dinh dưỡng
cho nhu cầu của cơ thể.
a) Biến đổi cơ học
Cơ quan nghiền thức ăn ở động vật ăn cỏ chủ yếu là hàm răng có bề mặt
nghiền rộng và nhiều nếp men răng cứng, cấu tạo của răng thay đổi tùy loài
động vật và thích nghi với loại thức ăn. Đối với động vật ăn thịt các răng sắc
nhọn có tác dụng cắn xé. Đối với động vật ăn cỏ thì răng có hình bàn cối để
xay nghiền, đối với động vật ăn tạp vừa có răng sắc nhọn và răng nghiền (hình
2.6). Đối với động vật không có răng thì tiêu hóa cơ học xảy ra trong dạ dày cơ
chắc và khỏe như ở chim (gà vịt thường ăn thêm sạn đá để tăng sức nghiền
thức ăn).
Hình 2.6. Hàm răng ở động vật ăn cỏ (ngựa), động vật ăn thịt (sư tử), và
động vật ăn tạp (người)
Quá trình biến đổi làm mềm thức ăn còn được thực hiện trong xoang miệng
và dạ dày.