Tuy vậy, tôi vẫn không nản chí chút nào. Tôi hoàn toàn cảm nhận
được sự thù ghét mà mình đã tích lũy, song dù buồn rầu, ngay cả
đôi khi kinh hoảng nữa, tôi tin rằng mình phải đặt sự tìm hiểu ý
nghĩa của lời Thần phán lên trên tất cả. Tôi lại ghé hết nhà này đến
nhà khác, cố tìm gặp bằng được những người được tiếng thông thái
hay tỏ vẻ có vốn liếng kiến thức. Và Chó
phải khai thực với quý vị, đây là kết luận tôi đã rút ra từ cuộc thăm
dò: trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, kẻ được tiếng là thông thái nhất rốt
cuộc lại thiếu hiểu biết hơn ai hết, trong khi kẻ bị xem là thấp kém
hơn dường như lại gần gũi với lương thức hơn.
Dầu sao, cũng xin thuật lại với quý vị trong chi tiết cuộc truy tìm
đáng gọi là công trình Hercule của Socrate này để tự thuyết phục
rằng lời phán của Thần là không thể sai. Sau giới chính khách, tôi
tìm đến giới cầm bút, từ kẻ viết kịch, làm thơ đến các loại tác gia
khác, hoàn toàn không nghi ngờ rằng ở đây sự dốt nát của tôi sẽ
hiển hiện lộ liễu trước kiến thức ưu đẳng của họ. Cầm trong tay tác
phẩm nào có vẻ đã được tạo tác công phu nhất của họ, tôi hỏi họ
thực sự muốn nói gì, hy vọng qua đó được chỉ giáo thêm. Thưa quý
đồng hương, thật là xấu hổ phải nói lên sự thực, tuy rằng dù sao
cũng phải khai thật với quý vị mà thôi. Tất cả hoặc hầu hết những
người có mặt trong các cuộc trò chuyện đều có thể bàn về văn thơ
của các vị ấy hay hơn cả chính tác giả. Tôi mau chóng nhận ra rằng
giới văn thi sĩ đã sáng tạo được không phải nhờ kiến thức, mà nhờ
một thứ năng khiếu tự nhiên hay cảm hứng thiên phú giống như ở
các nhà tiên tri hay thầy bói; các vị này có thể tiết lộ bao điều thật
đáng phục tuy chẳng có hiểu biết chi về chúng. Nhà văn, nhà thơ
dường như cũng ở trong một trạng thái tương tự; đồng thời tôi cũng
nhận thấy rằng họ còn tưởng mình thông thái hơn thiên hạ trên mọi
vấn đề khác nhờ thứ năng khiếu đặc biệt ấy, thật ra thì họ chẳng
hiểu biết gì hơn ai. Tôi bèn giã từ giới này, tin chắc rằng dù sao mình
cũng còn hơn họ, vì cùng một lý lẽ như đối với các chính khách.