luật pháp bắt buộc ông. Có ai thích nhận chuyện dữ hơn là điều lành
chăng?
Mélètos: Không. Chẳng có ai cả.
Socrate: Xem nào, thế khi ông kết tội tôi làm thanh niên hư hỏng,
hung dữ, ông nói là tôi đã làm cố ý hay vô tình?
Mélètos: Cố ý. Tôi tin chắc như thế.
Socrate: Thế là thế nào, Mélètos? Ở tuổi ông, sự khôn ngoan đã
vượt xa Socrate già đời này, đến độ ông còn biết rằng kẻ hung ác bao
giờ cũng gây hại và người hiền lành luôn luôn làm lợi cho người
chung quanh, trong khi tôi lại ngu muội đến mức không hiểu rằng
khi mình làm cho kẻ khác xấu ác thì chắc chắn phải chờ đợi bị hắn
hãm hại trở lại, và chẳng những thế tôi còn cố ý làm hư hỏng lớp trẻ
để bị làm hại một cách hoàn toàn ý thức nữa kia! Điều này, không
chỉ một mình tôi mà chẳng ai trên đời này có thể tin ông nổi, Mélètos
ạ. Hoặc tôi không làm thanh niên hư hỏng, hoặc nếu tôi làm thì đấy
chỉ là chuyện ngoài ý muốn và ngoài sự hiểu biết của tôi; trong cả
hai trường hợp, ông là kẻ khai man. Luật pháp không trừng phạt
loại lỗi lầm không chủ tâm; nếu tôi vô tình làm thanh niên hư hỏng,
đáng lẽ ông phải gọi tôi ra một nơi để dạy bảo hay cảnh cáo thì mới
đúng, bởi vì hiển nhiên là nếu được khuyên can, tôi sẽ hết làm lỗi mà
không biết. Đàng này, thay vì tìm gặp để dạy bảo, ông lại lôi cổ tôi
ra toà, nơi để xét xử kẻ đáng bị trừng phạt hơn là chỉ cần quở trách.
Socrate: Thưa quý đồng hương Athènes, đấy là chứng cớ đủ hiển
nhiên về điều tôi nói ban nãy: Mélètos chưa bao giờ bận tâm về các
vấn đề này. Dù sao, tôi cũng muốn biết thêm. Nói chúng tôi nghe đi,
Mélètos, tôi đã làm thanh niên hư hỏng bằng cách nào. Có phải bằng
cách xúi giục họ không nhìn nhận và thay thế các thần linh của
thành quốc bằng tà thần ở nơi khác, như được ghi lại trong đơn kiện
của ông không?
Mélètos: Chính thế.