chi cả. Vậy thì, nếu phải tuyên cáo điều tôi đáng nhận hưởng một
cách hoàn toàn công chính, xin nói thẳng với tất cả mọi người: tôi
xứng đáng được phụng dưỡng tại công đường thành quốc.
Nói như thế, có thể Socrate tôi sẽ bị buộc tội đã ngạo mạn thách
thức quý vị, như khi bài bác chuyện van xin than khóc ban nãy.
Nhưng không phải thế đâu, thưa quý đồng hương; đây mới là lý do
thực sự. Tôi hoàn toàn tự biết mình chưa hề làm điều gì bất công với
ai một cách cố ý, nhưng quý vị từ chối tin tôi, bởi vì chúng ta có quá
ít thời giờ để bàn cãi. Nếu luật pháp thành quốc đòi hỏi phải xét xử
loại tội phạm có cơ dẫn đến án tử hình ít ra trong vài ngày như ở
nhiều nơi khác, hẳn tôi đã có thể đánh đổ những điều vu khống
thâm căn cố đế trong tâm trí quý vị, thay vì đành chịu không thuyết
phục nổi quý vị trong vài giờ như ở đây. Biết chắc rằng mình chưa
bao giờ làm hại ai, có lý nào bây giờ Socrate tôi lại tự làm hại chính
mình, không những thú nhận đáng bị trừng phạt, mà còn tự đề nghị
cho mình cả hình phạt nữa. Nhưng có gì đáng sợ mới được cơ chứ!
Bản án tử mà Mélètos đòi chụp lên đầu tôi chăng, khi tôi đã nói rằng
chưa biết cái chết sẽ là điều lành hay dữ, phúc hay họa, hung hay
kiết? Chẳng lẽ để tránh nó, bây giờ tôi lại đi chọn và bắt mình chịu
đựng một hình phạt mà tôi biết chắc chắn là điều hung!
Gông cùm ư? Nhưng tại sao Socrate lại phải sống trong tù, làm
tôi mọi cho mười một viên cai ngục
thay phiên nhau thị uy sai
khiến? Chịu tiền phạt và ngồi tù cho đến khi trả hết nợ chăng? Thế
thì cũng chẳng khác chi, vì tôi làm gì có tiền để trả. Đi đày ư? Có thể
là quý vị chấp thuận đấy, nhưng phải thật là tham sinh úy tử đến độ
đui mù tôi mới có thể nghĩ rằng người xứ khác có thể chịu đựng
được dể dàng nếp sống và cách nói năng của mình, trong khi chúng
đã trở thành sai quấy và ghê tởm đến độ ngay cả kẻ đồng hương
như quý vị mà còn không chịu đựng nổi và nay tìm cách khai trừ.
Socrate tôi đâu mù quáng đến mức ấy, thưa quý công dân Athènes.
Mà quả thật, đấy sẽ là một cuộc đời chao ôi là đẹp đối với tôi, nếu