vừa chuẩn xác, trúng ngay vào mắt cậu. Cậu quỳ chân trước xuống đất, và cứ như thế
chịu đòn, nước mắt chảy thành dòng trên má, nhỏ tí tách xuống đất. Tôi hoảng sợ, kêu
thét lên:
- Tây Môn Kim Long! Anh là đồ thổ phỉ! Anh muốn đánh cho nó mù luôn sao?
Anh ta tiếp tục nhắm đầu cậu đánh xuống. Cú này cực mạnh. Một vệt máu ứa ra trên
trán, máu chảy thành dòng trên sống mũi cậu, tươi rói và rơi xuống đất. Ôi, trâu của tôi!
Tôi nhảy lên, ôm lấy đầu cậu, nước mắt tôi chảy dài rơi xuống chiếc sừng mới nhú của
cậu. Tôi dùng thân thể mỏng manh của mình bảo vệ cho cậu. Tây Môn Kim Long, anh
cứ đánh đi, anh cứ đánh vào lưng tôi để cái áo khoác của tôi rách toang như tờ giấy bị
xé vụn và bay lả tả lên trời đi! Anh cứ đánh cho da thịt tôi nát nhừ như bùn đất văng tứ
tung dính vào cỏ khô lau cháy đi! Nhưng anh đừng đánh trâu của tôi! Tôi cảm thấy đầu
cậu run lên từng cơn trong vòng tay tôi. Tôi vón lấy một cục bùn nhét vào vết thương
trên trán, rút miếng vải trong áo khoác ra lau khô nước mắt cho cậu. Điều tôi lo nhất là
đôi mắt của cậu, e mù mất chăng? Nhưng tục ngữ đã nói “đánh chó khó què, đánh trâu
khó mù”, mắt cậu không hề hấn gì cả!
Liên tục trong một tháng, cứ ngày nào cũng thế, trình tự sự việc xảy ra lúc nào cũng
giống nhau. Tây Môn Kim Long khuyên tôi nhân lúc bố chưa về dắt trâu gia nhập công
xã. Tôi không đồng ý, anh ta đánh tôi. Anh ta đánh tôi thì trâu tôi lại tìm húc Hồ Tân.
Hồ Tân hoảng hốt, thường nấp sau lưng Kim Long. Anh ta đối diện với trâu hình thành
thế giằng co, sau mấy phút, mỗi người đều tự động thoái lui. Một ngày bình yên! Tính
chất của sự việc lúc mới bắt đầu là kịch liệt, mày chết tao sống, nhưng dần dần biến
thành một màn kịch. Nhưng điều làm tôi nở mày nở mặt nhất là Hồ Tân sợ con trâu của
tôi còn hơn sợ cọp. Cái mồm độc địa của anh ta không dám hé răng lấy nửa lời. Con
trâu nhà tôi chỉ cần nghe thấy anh ta mở miệng là cúi đầu vươn vai, mắt đầy sát khí, cào
cào bốn chân xuống đất sẵn sàng xông đến bất kỳ lúc nào. Những lúc ấy, Hồ Tân sợ vãi
đái vãi cứt, cuống cuồng chạy nấp sau lưng Kim Long. Người anh cùng mẹ khác cha
với tôi từ dạo ấy cũng không hề đánh con trâu của tôi lần nào nữa. Lẽ nào anh ta đã
nhận ra được điều gì đó? Các người suy cho cùng cũng là bố con ruột, trong lòng liệu
có linh cảm gì chăng? Việc anh ta đánh tôi cũng cũng trở thành hình thức, bởi sau trận
ấy, thắt lưng tôi lúc nào cũng giắt một con dao sắc lẹm, đầu đội thêm một cái mũ bảo
hộ bằng sắt. Những bảo bối ấy tôi ăn trộm được từ một đống phế liệu trong những năm
phong trào luyện gang thép đang hưng thịnh, đem về giấu ở chuồng trâu, bây giờ trở
thành vật vô cùng hữu dụng để phòng thân.