hiểu tính tình loài lừa, mỗi khi nó nhe răng là nhất định có ý định nổi loạn, sau đó sẽ
thò cái của quý vốn cất giấu rất kỹ ở dưới bụng ra. Nhưng may mắn thay, huyện trưởng
Trần là người tốt, biết kiềm chế, cho dù đã biến một nửa thành lừa nhưng tính người
vẫn còn, do vậy cho dù nhe răng nhưng cái ấy vẫn nằm im dưới bụng. Đi sau ông ta là
Phạm Đồng, nguyên là thư ký của công xã. Đúng là anh ta đã từng làm thư ký cho
huyện trưởng Trần, là tay cực kỳ khoái món thịt lừa, đặc biệt là của quý của lừa nên
bọn Hồng vệ binh cho anh ta mang một đoạn củ của cây tử đằng trắng, loại cây cực
nhiều ở Cao Mật, đầu cây dùng dao gọt cho tròn lại, lấy sơn đen bôi lên. Sức tưởng
tượng của quần chúng thật phong phú, đáng nể, ai ai cũng biết khúc cây tử đằng ấy
tượng trưng cho cái gì. Dáng đi của anh ta thật khổ sở, vì quá mập nên di chuyển rất
chậm, bước chân xiêu vẹo không đúng nhịp với tiếng trống làm cho đội hình trở nên rối
loạn. Những Hồng vệ binh cầm dây thừng làm roi quất vào mông anh ta, đánh một cái
anh ta nhảy lên một cái, vừa nhảy vừa khóc. Chúng lại quất lên đầu, anh ta hoảng hốt
đưa cái vật đang cầm trên tay ra đỡ. Bị roi đánh trúng, nó đứt làm hai đoạn, lộ rõ
nguyên hình là một khúc củ tử đằng đầy nhựa, quần chúng được một phen cười vỡ
bụng. Bọn Hồng vệ binh không nén nổi cũng phải cười rộ lên, lôi anh ta ra khỏi hàng
đem đến chỗ hai cô nữ Hồng vệ binh, bắt anh ta ăn hết hai đoạn củ tử đằng. Phạm Đồng
nói trong đó có sơn đen, rất độc, không thể ăn. Hai cô Hồng vệ binh mặt đỏ phừng
phừng như bị làm nhục, hét: Mày là đồ lưu manh, đồ thối tha! Dùng tay đánh làm gì,
dùng chân đá cho khỏe. Và thế là hai cô thay nhau đá Phạm Đồng. Anh ta nằm lăn trên
đất, la to: Các nữ tướng, đừng đá nữa, tôi ăn, tôi ăn ngay đây!... Rồi chộp lấy củ tử
đằng, cắn một miếng rõ to. Ăn nhanh lên! Lại thêm miếng nữa, quai hàm há rõ to
không thể nhai nổi thì làm sao mà nuốt, đôi mắt trợn tráo.
Dưới sự dẫn dắt của huyện trưởng lừa, đám người đầu trâu mặt ngựa ấy đều mặc
sức biểu diễn sở trường của mình khiến quần chúng được một bữa no mắt. Những kiểu
gõ trống đánh chiêng đều đạt đến trình độ chuyên nghiệp, đừng kể là đội văn nghệ thôn
mà ngay cả đoàn kịch của huyện chưa chắc đã có thể so sánh.
Đội diễu hành của làng Tây Môn xuất hiện ở phía đông chợ. Người mang trống tên
là Tôn Long, đánh trống là Tôn Hổ, đánh chiêng là Tôn Báo, gõ sênh là Tôn Bưu. Bốn
anh em họ Tôn là hậu duệ của bần nông. Phía trước họ là những kẻ xấu của làng Tây
Môn đi theo con đường tư hữu. Hồng Thái Nhạc có thể tránh được “tứ thanh” nhưng
không thể thoát khỏi Cách mạng Văn hóa. Đầu ông ta đội cái mũ giấy cao ngất ngưởng,
sau lưng dán một trang giấy có chữ viết rất to theo lối Tống thể, nét bút rất cứng cáp,
thoạt nhìn cũng biết đó là bút tích của Tây Môn Kim Long. Trong tay Hồng Thái Nhạc
còn cầm mảnh xương trâu có giắt những cái vòng bằng đồng khiến tôi hồi tưởng đến